Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

Những phương pháp ngoài khoa học

Loạt bài viết này là một phần trong tài liệu giảng dạy môn Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu trong tâm lý học của Phạm Thị Thủy Tiên tại trường ĐH KHXH & NV TP.HCM T11/2017 - T1/2018. Đối tượng của các bài viết là sinh viên tâm lý học và những người có quan tâm đến tâm lý học và phương pháp nghiên cứu khoa học. Bạn có thể tùy ý sử dụng các tài liệu gồm bài viết, slide bài giảng và các tài liệu khác được chia sẻ lên blog này. Chỉ mong bạn dẫn nguồn nếu sử dụng cho mục đích giảng dạy hoặc các mục đích thương mại.


Galileo trình bày thuyết nhât tâm với kính viễn vọng trước nhà thờ thiên chúa giáo
------

Để hiểu tại sao ta cần phương pháp khoa học, trước hết ta để ý cách mà ta căn cứ hằng ngày để đạt được sự hiểu biết trong đời sống hằng ngày. Con người có thể chấp nhận một điều gì là đúng dựa vào trực giác hoặc niềm tin. Năm tôi học lớp 7, nhà tôi được tặng một chú chó lai Nhật xinh đẹp, tôi gọi nó là Mi Mi. Tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng con Mi Mi của tôi yêu tôi nhất đời nó. So với tôi, tình yêu của con Mi với các chàng chó đực đẹp trai có duyên khác xớ rớ xung quanh hoặc các em bé xinh xắn nhỏ xíu mà con Mi mang nặng đẻ đau, hoặc ngay cả là em trai tôi - người cùng tôi săn sóc dạy dỗ nó từ tấm bé, đều thua xa tình yêu thắm thiết khăng khít mà con Mi dành cho tôi. Tôi biết chắc và cảm nhận rất rõ điều này trong sâu thẳm trái tim mình. 

Theo bạn niềm tin này có phải là một cơ sở tốt của sự hiểu biết không? Hẳn là không. Đơn thuần tin vào điều gì đó không làm cho nó thành sự thật. Những điều mà ta tin tưởng vững chắc có thể hóa ra là sai. Hơn nữa, nếu có ai đó tin vào điều ngược lại thì sao? Nếu em trai tôi tin rằng con Mi thương em tôi hơn thì sao? Không có cách nào để dàn xếp ổn thỏa rằng ai đúng, ai sai chỉ bằng cách tranh cãi về hai niềm tin trái ngược nhau. 

Chúng ta có thể đem vấn đề ra hỏi những người khác để đếm số người ủng hộ và người phản đối của mỗi tuyên bố trên và người đúng là kẻ chiến thắng với đa số người bình chọn. Nhưng sự đồng thuận cũng không phải là cơ sở tốt của tri thức. Chỉ vì có nhiều người chấp nhận một điều gì đó không có nghĩa là điều đó đúng. Trong suốt một thời gian dài người ta tin rằng mặt trời xoay quanh trái đất. Nhưng hóa ra không phải. Copernicus đã ngờ điều ngược lại. Và Galileo đã chứng minh thuyết phục bằng cả lập luận và thực nghiệm thiên tài của mình rằng trái đất xoay quanh mặt trời và mặt trời mới là trung tâm của Thái Dương Hệ. Galileo không phải là người đầu tiên nghi ngờ ‘sự thật’ mà đám đông thừa nhận lúc bấy giờ nhưng ông là người đầu tiên quyết tâm không phủ phục trước tòa án Kito giáo và nêu rành mạch kết luận dựa vào phương pháp khoa học của mình. Có lẽ chính vì thế mà ông được gọi là cha đẻ của nền khoa học hiện đại và ông cũng là thần tượng của lòng tôi. 

Như bạn thấy ở trên, ngoài kinh nghiệm, trực giác, niềm tin, hoặc sự đồng thuận, một nguồn hiểu biết mà người ta hay cậy vào nữa đó là ý kiến của chính quyền hoặc những người có quyền lực nói chung. Trong xã hội hiện đại, những người có quyền lực là người nắm giữ nhiều nguồn lực trong tay (bất kể lý do): tiền bạc, tài nguyên, sự trọng vọng của người khác, hoặc có khi là sự thừa nhận về năng lực, kinh nghiệm khiến họ giữ những chức vụ cao trong xã hội, v.v… Đây cũng không phải là những cơ sở tốt của sự hiểu biết. Ý kiến của những cá nhân nắm quyền kể trên (v.d. nguyên thủ quốc gia, chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo…) cũng chỉ là một ý kiến cá nhân. Có thể những cá nhân này có thể tiếp cận nhiều kiến thức hoặc kiến thức chất lượng hơn nhưng ảnh hưởng cá nhân của họ cũng dự phần quan trọng vào việc ý kiến của họ được chấp nhận. Nghề nghiệp và danh vọng của họ phụ thuộc vào đó. Hãy lưu tâm điều cuối cùng này thật kỹ trước khi bạn tiếp nhận thông tin. 

Ví dụ, tôi thuê một chuyên gia về trò chuyện với loài vật và người này tuyên bố rằng con Mi thương tôi hơn cả. Dĩ nhiên em tôi có lý do chính đáng để lo ngại về kết quả này, nhất là khi bà chuyên gia được tôi trả tiền để ‘nghiên cứu’ ra kết luận trên. Nếu em lại cũng đi thuê một ‘bà thầy’ khác để phán rằng con Mi thương em tôi hơn cả. Vậy có khác gì là hai cá nhân đang tranh luận về quan điểm cá nhân đối nghịch của mỗi bên. Không hề có chứng cứ gì cả ngoài tranh cãi quan điểm. 

Vậy làm sao để có chứng cứ? Giả sử, tôi quan sát rằng cứ mỗi lần tôi đi học về, con Mi đều sà vào lòng tôi và liếm tay chân mặt mũi tôi suốt 5 phút đồng hồ. Còn với em tôi, nó chỉ mừng như thế trong 1 phút là thôi. Từ quan sát thế giới khách quan rằng con chó Mi ngồi trong lòng mừng tôi nhiều hơn em tôi 4 phút, tôi có căn cứ để yểm trợ cho tuyên bố của mình về một hiện tượng của thế giới khách quan đó, rằng con chó Mi Mi thương tôi hơn. 

Sự thu thập chứng cứ thông qua việc quan sát đơn giản này cung cấp một cơ sở đáng tin cậy hơn những cách đã kể trên, nhưng vẫn chưa đủ. Đó là vì con người ta không giỏi quan sát lắm đâu (mặc dù ta thường tự huyễn hoặc vậy). Sự quan sát của ta trong đời sống hằng ngày thường mang tính tùy tiện, thất thường. Hơn nữa, trí nhớ có xu hướng tự nhiên là chọn lọc những gì thuận với niềm tin của ta, hoặc làm cho ta thấy dễ chịu, thấy hợp ý. Ví dụ, tôi 'vô tình' quên bén rằng con Mi Mi luôn ngồi trong lòng em tôi mỗi khi chúng tôi coi hoạt hình lúc 7 giờ tối sau khi ăn cơm. Ngoài tri nhận có chọn lọc và sự quan sát tùy tiện, còn nhiều loại sai lầm khác khiến cho quan sát đơn giản không hẳn là một phương pháp đi tìm sự thật thực sự đáng tin. 

Galileo dùng quan sát và thực nghiệm để tìm ra lý thuyết heliocentrism - thuyết về thái dương hệ. Nhưng ông đồng thời cũng công nhận vai trò của lập luận logic. Chính ông cũng tự kiểm nghiệm lý thuyết của mình bằng các lập luận logic toán học. Tuy nhiên, cũng tương tự như quan sát, con người ta mắc nhiều sai lầm trong lập luận logic. Môn tư duy phản biện ở trường dạy cho sinh viên các ngụy biện mà chúng ta hay dùng một cách vô thức hay hữu thức. Những kiểu ngụy biện như vậy nhiều vô kể. Cái dễ nhìn ra nhất đó là lập luận của ta nhiều khi không nhất quán và không có tiền đề rõ ràng nhưng ta không nhận thức được do ta thiếu hiểu biết về cách thức lập luận đúng đắn. Sự tranh cãi trong vòng lẩn quẩn giữa những tranh biện kiểu này không giải quyết được gì ngoài việc hao tổn thời gian, tinh thần và trí lực của chính ta. 

Như vậy, muốn có được hiểu biết đúng đắn về thế giới xung quanh, chúng ta không thể dựa vào kinh nghiệm, trực giác, tập quán xã hội hay quyền lực. Cũng không thể cậy nhờ vào quan sát chủ quan và lập luận mù mờ, vô minh. Điều ta cần làm là quan sát một cách có hệ thống kết hợp với lập luận logic bài bản và nhất quán. Nói cách khác, chúng ta cần áp dụng phương pháp khoa học

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét