Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

TK16. Tổng quan về các phương án thiết kế nghiên cứu

Để mô tả các phương án thiết kế một nghiên cứu trong khoa học, người ta dùng rất nhiều thuật ngữ và có thể gây khó khăn với người mới bắt đầu. Về cơ bản, ta có thể phân loại theo hai tiêu chí là đặc tính và thời gian.

Phân biệt theo thời gian, có thể chia thành 3 nhóm :
  • Nghiên cứu cắt ngang (cross-sectional study) : là nghiên cứu thu thập dữ liệu về một số đối tượng thuộc quần thể tại một thời điểm.
  • Tiến cứu (prospective study) : là nghiên cứu thu thập thông tin về đối tượng nhiều lần (thời điểm hiện tại và tương lai). Vì vậy còn được gọi là nghiên cứu theo thời gian (longitudinal study). Longitudinal study lại phân làm hai loại là thuần tập (cohort) và không thuần tập (panel). 
          Cohort là từ dùng để chỉ một nhóm người có cùng một đặc điểm chung nào đó hoặc sống trong cùng một khoảng thời gian. Ví dụ như nhóm những người cùng sinh năm 1960, những người sống sót sau tai nạn, những người làm chung một công xưởng,…
          Nghiên cứu thuần tập (cohort study) là nghiên cứu trong đó chọn ra một nhóm đối tượng có cùng một đặc tính nào đó và quan sát họ (thường là) theo thời gian. 
  • Hồi cứu (retrospective study) : là nghiên cứu mà nhà nghiên cứu đã có thông tin về tình trạng hiện tại của đối tượng và bắt đầu tìm hiểu về các yếu tố trong quá khứ của họ. Vì nghiên cứu thường so sánh giữa một nhóm chứng và một nhóm có biến kết quả mà ta quan tâm nên còn gọi là nghiên cứu đối chứng (case-control study).

Phân biệt theo đặc tính, có thể chia thành hai nhóm :
  • Nghiên cứu thực nghiệm (experimental study) : là nghiên cứu trong đó nhà nghiên cứu gây một tác động (treatment) nào đó lên đối tượng.  
  • Nghiên cứu quan sát (observational study) : Ngược lại, tất cả các nghiên cứu không có tác động lên đối tượng đều được xếp chung trong nhóm nghiên cứu quan sát.

*Những loại thiết kế trong nghiên cứu thực nghiệm
Nghiên cứu thực nghiệm có thể được tiến hành theo cách 1) hoàn toàn ngẫu nhiên hoá (completely randomized design), trong đó các đối tượng nhận được kiểu tác động một cách ngẫu nhiên (treatment hoặc placebo) hoặc 2) thiết kế bắt cặp (crossover design hay matched-pair design) trong đó mỗi đối tượng lần lượt nhận từng loại tác động (tác động 1, tác động 2,… và placebo).
Crossover design giúp tránh một số thiên kiến tiềm ẩn (potential) và tránh biến giấu (lurking) vì mỗi đối tượng là như nhau, chỉ có tác động là khác. Như vậy, mối liên hệ giữa yếu tố tác động và kết quả mà NNC quan tâm có thể dễ nhận ra một cách chính xác hơn.

Ngoài ra, trong một nghiên cứu thực nghiệm có thể có một yếu tố tác động (one factor) hoặc nhiều yếu tố tác động (multi-factors). Nghiên cứu có nhiều yếu tố mang lại nhiều thông tin hơn nghiên cứu cho từng yếu tố riêng lẻ, chẳng hạn như ta có thể so sánh tác động của từng yếu tố lên biến kết quả so với tác động tổng hợp của tất cả yếu tố này lên biến kết quả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét