Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

Cách đặt câu hỏi nghiên cứu

Tác giả: PHẠM THỊ THỦY TIÊN 

Nhà nghiên cứu trẻ hoặc sinh viên năm cuối chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp khi bắt tay vào nghiên cứu sẽ ấp ủ trong đầu những quan sát hoặc ý tưởng mà mình cảm thấy thú vị và muốn nghiên cứu. Nhà nghiên cứu già dặn hơn thường đã tìm ra chí hướng nghiên cứu rồi thì quá trình từ lúc có ý tưởng đến lúc lên giả thuyết nghiên cứu có thể diễn ra nhanh chóng và thẳng thớm hơn. Tuy nhiên, với người mới bắt đầu thì từ chặng đường từ ý tưởng còn nằm trong ‘trứng nước’ đến lúc viết được giả thuyết nghiên cứu là một quá trình có thể nói là gian nan khổ ải nhưng cũng hết sức thú vị và chứa đựng nhiều cung bận cảm xúc.
 
Từ đề tài đến câu hỏi nghiên cứu (from research topic to research question) 

Đầu tiên, nhà nghiên cứu viết ra một (vài) đề tài (research topic) trong lĩnh vực tâm lý học mà mình quan tâm. Nếu chưa chắc mình thích gì, bạn có thể đi tìm ý tưởng bằng cách đọc báo chí phổ thông, sách báo khoa học, hoặc cụ thể và gần gũi nhất là trong các giáo trình các môn tâm lý học cơ bản mà bạn đã từng học ở các năm dưới. Bạn có thể tìm được 500 ý tưởng nghiên cứu thú vị chỉ với việc đọc tra cứu mục lục và đọc các chủ điểm lớn trong sách giáo khoa của một số ngành tâm lý học nghiên cứu cơ bản, vốn vô cùng quen thuộc với sinh viên tâm lý học như: 

  • Tâm lý học nhận thức (cognitive psychology
  • Tâm lý học sinh học (biopsychology, aka neuroscience
  • Tâm lý học phát triển (developmental psychology
  • Tâm lý học xã hội (social psychology
  • Tâm lý học nhân cách (personality psychology)
Chẳng hạn, bạn yêu thích môn tâm lý học xã hội, đặc biệt là chủ đề về hành vi thuận xã hội (prosocial behaviour), ý chỉ những hành động của cá nhân được xã hội đánh giá tích cực bởi vì nó có tác động tốt lên các thành viên khác trong xã hội, trái nghĩa với thuận xã hội là phản xã hội (anti-social behaviour), cũng là một chủ điểm lớn trong môn tâm lý học xã hội. Sau khi bạn chọn được chủ đề mình quan tâm, bước kế tiếp sẽ là giới hạn nó lại thành những chủ đề nhỏ hơn (sub-topics). Trong trường hợp này, bạn có thể chọn nghiên cứu một nhóm nhỏ hơn của prosocial behaviour là hành vi giúp đỡ (helping behaviour). Nhưng hành vi giúp đỡ vẫn còn là một chủ đề rộng lớn nên bạn sẽ phải thu hẹp nó lại thành vấn đề nghiên cứu (research problem). Bạn có thể nghĩ đến các khía cạnh như:

- Khi nào thì người ta giúp đỡ người khác? 
- Tại sao người ta không giúp đỡ người khác? (Darley & Latane, 1968)* 
- Làm sao để người ta giúp đỡ người khác nhiều hơn? 
- Nam hay nữ có xu hướng giúp đỡ người khác hơn? 
- Trình độ học vấn có ảnh hưởng như thế nào đến hành vi giúp đỡ? 

Có vẻ như bạn đang dần tìm ra câu hỏi nghiên cứu (research question) của mình nếu bạn nghĩ đến một trong các vấn đề trên rồi đó. Tuy nhiên, bạn vẫn còn có thể tiếp tục cụ thể hóa câu hỏi nghiên cứu của mình hơn bằng cách:

Nhìn vào các từ khóa: thao tác hóa khái niệm 

Tâm lý học xoay quanh bốn mục tiêu đó là mô tả, giải thích, dự báo và kiểm soát các tiến trình tâm trí và hành vi của con người. Trong nghiên cứu khoa học, nhà tâm lý phải đo lường các khái niệm trong tâm lý học (concept), vốn thường trừu tượng và không thể đo lường trực tiếp. Thao tác hóa khái niệm (definition operationalisation) là các quy trình hoặc các bước tiến hành để đo lường một khái niệm trừu tượng thông qua các thuộc tính (construct)- hoặc có người gọi là chỉ báo (instructor). Nếu một khái niệm có độ phức tạp cao thì được phân chia thành nhiều chiều kích (dimension) hoặc khía cạnh (aspect) trước, rồi mới đến thuộc tính. Thuộc tính và chỉ báo là các đại lượng cụ thể và có thể đo lường được. Ví dụ, ta có khái niệm hành vi giúp đỡ. Chỉ báo của nó có thể là việc dừng lại giúp đỡ một người đang ngất xỉu bên vệ đường (Darley & Batson, 1973). Những thuộc tính luôn thay đổi và có thể đo lường được gọi là biến số (variable). Trong ví dụ trên, biến số mà bạn quan tâm nhận hai giá trị là có dừng lại hoặc không dừng lại giúp đỡ. Trong hình 1 là một số ví dụ khác về thao tác hóa khái niệm thường gặp trong nghiên cứu tâm lý học và hình 2 là ví dụ về một khái niệm phức tạp và có nhiều chiều kích.

Trong quá trình đặt câu hỏi nghiên cứu, suy nghĩ về thuộc tính hay chỉ báo đại diện cho hiện tượng tâm lý học mà bạn quan tâm sẽ giúp cho câu hỏi của nghiên cứu của bạn cụ thể và rõ ràng hơn với chính bạn. Không bao giờ có thể nói hết tầm quan trọng của việc có một câu hỏi nghiên cứu tốt, bởi nó sẽ giúp ích rất nhiều cho các bước tiếp theo, từ việc nghiên cứu lý thuyết, thiết kế nghiên cứu, cho đến phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu.Trong quá trình đặt câu hỏi nghiên cứu, suy nghĩ về thuộc tính hay chỉ báo đại diện cho hiện tượng tâm lý học mà bạn quan tâm sẽ giúp cho câu hỏi của nghiên cứu của bạn cụ thể và rõ ràng hơn với chính bạn. 

Ba câu hỏi nghiên cứu (three research questions) 
Trong ví dụ về hành vi giúp đỡ trên, các câu hỏi mà nhà nghiên cứu có thể đặt ra, chẳng hạn như: 
  1. Có bao nhiêu người trong 100 người tham gia sẽ dừng lại để giúp đỡ người đang ngất xỉu bên đường? 
  2. Trình độ học vấn và hành vi giúp đỡ có liên quan (associated aka. related)  với nhau không? 
  3. Trình độ học vấn có làm tăng (increase) xu hướng giúp đỡ?  
Câu hỏi thứ nhất đơn thuần quan sát và đếm xem có bao nhiêu người sẽ có hành động giúp đỡ, đây là một câu hỏi về tần số (frequency). Câu hỏi thứ hai quan tâm đến mối tương quan giữa hai yếu tố là trình độ học vấn và hành vi giúp đỡ nên đây là một câu hỏi về mối tương quan (association). Cuối cùng, câu hỏi thứ 3 nhấn mạnh đến quan hệ nhân-quả giữa trình độ học vấn và hành vi giúp đỡ, tức trình độ học vấn cao làm cho một người trở nên hay giúp đỡ người khác hơn. Đây là câu hỏi về quan hệ nhân quả (causality). 

Giờ ta thử lấy một ví dụ khác, bạn hãy thử đoán xem các câu hỏi sau thuộc loại nào. Trong các kỳ bầu cử ở Mỹ, các trang tin thường làm những khảo sát trên mẫu ngẫu nhiên khoảng 1000 người để dự báo xem có bao nhiêu % người dân sẽ bầu cho hai Đảng Công Hòa và Dân Chủ. Trong khảo sát này, nhà nghiên cứu cũng lấy thông tin về các biến số khác như thu nhập, trình độ học vấn, nghề nghiệp và tuổi tác của người tham gia. 
Câu hỏi nghiên cứu 1: Thu nhập có liên quan gì tới kết quả bầu cử trong khảo sát này không? 

Câu hỏi nghiên cứu 2: Có bao nhiêu người Mỹ bầu cho ứng viên của Đảng Dân Chủ? Bao nhiêu bầu cho Đảng Cộng Hòa?  

Câu hỏi nghiên cứu 3: Có phải những người trên 60 tuổi (senior citizens) có xu hướng bầu cho ứng viên Đảng Cộng Hòa hơn những người ở độ tuổi khác không? 
Nếu bạn trả lời là câu hỏi 1 và 3 là câu hỏi tương quan còn câu 2 là câu hỏi tần số thì bạn đã đúng rồi đó. Bạn có thắc mắc rằng tại sao không có câu hỏi về quan hệ nhân quả ở đây không? Đó là bởi vì phương pháp nghiên cứu của ví dụ trên không cho phép trả lời câu hỏi về mối quan hệ nhân quả. Bởi vì một kết luận về mối quan hệ nhân quả được cho là có giá trị khoa học vào loai bậc nhất, chúng ta sẽ dành nhiều bài sau để bàn về nó. 

Các nghiên cứu khoa học mà bạn đọc trong tạp chí khoa học có thể trông phức tạp hơn thế này nhiều bởi vì chúng làm cho bạn hoa mắt chóng mặt với các phương pháp thiết kế nghiên cứu và phân tích dữ liệu cụ thể và tinh tế. Nhưng về bản chất, các nghiên cứu khoa học đều xoay quanh một trong ba loại câu hỏi trên, đó là câu hỏi về tần số, về mối tương quan hoặc về mối quan hệ nhân quả. 

Giả thuyết nghiên cứu (research hypothesis

Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ không dừng lại ở câu hỏi nghiên cứu mà sẽ có giả thuyết nghiên cứu. Với mỗi câu hỏi đặt ra, bạn thường sẽ nghiên cứu lý thuyết, tức là đọc có hệ thống, rồi tổng hợp, đánh giá các kết quả nghiên cứu trước đó về cùng vấn đề hoặc câu hỏi nghiên cứu, để đưa ra giả thuyết mà mình sẽ đi kiểm định. Ta không nói là ''đi chứng minh giả thuyết" mà chỉ nói ''kiểm định'' (test a hypothesis) là bởi vì phương pháp khoa học hiện đại dựa vào tiếp cận diễn dịch giả thuyết (hypothetico-deductive method) và nguyên tắc phản nghiệm của Popper (Popper' falsification). Nói cách khác, mỗi nghiên cứu thực nghiệm giống như một quan sát riêng lẻ, nếu quan sát đó khẳng định giả thuyết ban đầu, thì nghĩa là giả thuyết ấy có thêm một bằng chứng ủng hộ và ngược lại. Giả thuyết có nhiều bằng chứng ủng hộ lặp lại được xem là một giả thuyết mạnh và đáng tin cậy. Chúng ta sẽ bàn kỹ về giả thuyết nghiên cứu trong các bài tiếp theo, đặc biệt là bài phân tích dữ liệu.

Tóm lại, câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu tốt là điều hết sức quan trọng mà nhà nghiên cứu nên dành nhiều thời gian để suy ngẫm trước khi bước vào các công đoạn tiếp theo của công trình nghiên cứu.

----

Hình 1: Một số ví dụ thao tác hóa khái niệm trong nghiên cứu tâm lý học 




Hình 2: Thao tác hóa khái niệm "Tính tôn giáo" (Nguyễn Xuân Nghĩa, 2010) 



(*) Năm 1968, ít nhất 38 cư dân ở một chung cư tại trung tâm New York đã chứng kiến việc cô Kitty Genovese bị tấn công và sát hại nhưng đã không làm gì để giúp đỡ hoặc thậm chí gọi cảnh sát.  Sự kiện này được báo chí lúc bấy giờ giật tít như là một hồi chuông báo động về sự suy đồi của đạo đức và trách nhiệm xã hội của con người (dân thành thị ở Hoa Kỳ). Đây trở thành cảm hứng cho nhà nghiên cứu tâm lý học xã hội Darley và Latane (1968) tiến hành một nghiên cứu thực nghiệm và tìm ra rằng hiện tượng tâm lý gọi là hiệu ứng người ngoài cuộc (bystander effect) và hiện tượng phân tán trách nhiệm (diffusion of responsibility) mới chính là thứ dường như làm cho người ta không giúp đỡ người bị nạn. Các thành viên của đám đông nghĩ là hẳn đã có một thành viên nào khác làm gì đó rồi và thế là không ai ra tay giúp đỡ nạn nhân. Nếu bạn thích nhìn con người ở góc độ xã hội và thích làm thí nghiệm, bạn chắc chắn sẽ yêu thích các thí nghiệm của các nhà tâm lý học xã hội lắm, bởi vì họ luôn sáng tạo, tinh tế và cũng rất thuyết phục trong cách thiết kế nghiên cứu để minh chứng cho giả thuyết của họ. 

Tham khảo: 

Darley, J. M., and Batson, C.D., "From Jerusalem to Jericho": A study of Situational and Dispositional Variables in Helping Behavior". JPSP, 1973, 27, 100-108.

Darley, J. M., & Latane, B. (1968). Bystander intervention in emergencies: Diffusion of responsibility. Journal of Personality and Social Psychology, 8(4, Pt.1), 377-383.
http://dx.doi.org/10.1037/h0025589

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét