Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

Triển vọng nghề nghiệp của ngành tâm lý học

Trước những đòi hỏi ngày một phức tạp hơn của nền kinh tế xã hội ngày nay, không riêng gì ở Việt Nam, tình trạng người trẻ tìm việc và nhà tuyển dụng không gặp được nhau và dường như đang đi trên hai đường thẳng song song là khá phổ biến. Hơn một phần ba các công ty trên toàn cầu gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm nhân lực chất lượng cao bởi vì sự thiếu hụt những kỹ năng then chốt ở người lao động như tư duy phân tích, giải quyết vấn đề, giao tiếp, hợp tác với đồng nghiệp và khả năng tự trau dồi kiến thức chuyên môn (Manpower Group, 2016; World Economic Forum, 2015). 

Có thể bạn chưa biết, sự thật là các cử nhân tâm lý sở hữu những kỹ năng vàng được chào đón bởi các nhà tuyển dụng. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý có thể làm việc ở rất nhiều ngành nghề đa dạng từ công tác xã hội, giáo dục, sức khỏe, đến bán hàng, nhân sự và quản trị kinh doanh. Nếu bạn có khả năng và yêu thích nghiên cứu, muốn trở thành nhà tâm lý trị liệu, tâm lý lâm sàng, giảng viên hoặc nhà khoa học tâm lý làm việc tại các trường đại học hoặc viện nghiên cứu thì bạn có thể chọn tiếp tục học lên cao học tại Việt Nam hoặc trên thế giới. 

Bài viết này trình bày bốn kỹ năng quan trọng làm nên triển vọng nghề nghiệp đa dạng và ưu thế cạnh tranh của sinh viên tâm lý trong thị trường lao động chất lượng cao tại Việt Nam và thế giới. 

Kỹ năng tư duy cần thiết (critical thinking skills) 
Kỹ năng tư duy cần thiết là một hệ thống các phương pháp tư duy chủ động và phức tạp nhằm trả lời một câu hỏi hoặc tìm giải pháp cho một vấn đề. Khả năng phân tích, đánh giá những luận điểm, lập luận và bằng chứng của chính mình và người khác giúp người lao động làm chủ kiến thức và tư duy độc lập để xử lý những tình huống phức tạp của công việc. Ngay từ môn tâm lý học nhập môn ở năm nhất, sinh viên được tiếp cận với muôn vàn góc nhìn khác nhau về nguyên nhân và bản chất của hành vi con người, từ cấp độ vi mô nhất, là các nơ rôn trong não hộ, cho đến các mối quan hệ xã hội phức tạp của con người. Trong suốt bốn năm học, họ sẽ được học cách nhìn các hiện tượng tâm lý dưới nhiều lăng kính lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, cách lập luận, và diễn giải để đi đến kết luận trên cơ sở cân nhắc cẩn thận dựa trên các tiêu chí rõ ràng. 

Kỹ năng giải quyết vấn đề (problem solving skills) 
Doanh nghiệp là nơi mà người lao động được kỳ vọng phải giải quyết nhiều vấn đề lớn nhỏ phát sinh hầu như mỗi ngày. Học tâm lý, sinh viên được học cách đặt câu hỏi nghiên cứu về các tiến trình tâm trí và hành vi của con người trong các bối cảnh khác nhau. Các câu hỏi này xoay quanh việc mô tả, lý giải, dự báo hay điều chỉnh hành vi của con người. Điểm manh của một sinh viên tâm lý là họ đã làm quen với việc xác định vấn đề, đề ra giả thuyết, lên kế hoạch nghiên cứu, thiết kế quy trình thu thập và phân tích dữ liệu để kiểm tra những giả thuyết đó và đi đến kết luận. Ngoài ra, sinh viên tâm lý được đào tạo bài bản cách thức tìm kiếm tài liệu trên internet, cách làm việc với dữ liệu định tính, định lượng và xử lý số liệu thống kê. Sinh viên cũng có khả năng đọc hiểu và đánh giá các tài liệu khoa học có liên quan đến lĩnh vực mà họ công tác trực tiếp như y tế, giáo dục, quản lý, nhân sự, và kinh doanh. Những năng lực này giúp cho sinh viên tâm lý trở thành người lao động có năng lực giải quyết vấn đề, ngay cả trong những điều kiện với nguồn lực tối thiểu. 

Kỹ năng giao tiếp (communication skills) 
Tâm lý học là ngành bắt buộc sinh viên phải đọc và viết nhiều so với mặt bằng chung nhiều môn học khác ở bậc đại học. Nếu như việc đọc nhiều cung cấp cho sinh viên vốn ngôn ngữ phong phú và khả năng diễn tả những vấn đề phức tạp và đa chiều, thì việc viết lách giúp họ áp dụng vốn từ đó để diễn đạt ý tưởng của mình một cách chính xác và thuyết phục. Tất cả các môn học đều đòi hỏi viết bài luận và báo cáo nghiên cứu dưới dạng viết hoặc thuyết trình với những đòi hỏi chi tiết về cả nội dung lẫn hình thức. Những yêu cầu này tạo cơ hội tuyệt vời cho sinh viên rèn dũa kỹ năng giao tiếp hiệu quả dưới sự hướng dẫn và phản hồi của giảng viên. Sinh viên tâm lý hiểu rằng tuân thủ quy cách trình bày là một cách thể hiện thái độ nghiêm túc và tận tâm trong chuyên môn, thay vì ỷ lại vào kiến thức của bản thân và cẩu thả trong giao tiếp. 

Kỹ năng học tập suốt đời (life-long learning skills) 
Học tập là một hành trình trọn đời. Nhà tuyển dụng tìm kiếm một nhân viên có khả năng tự học, tự trau dồi kiến thức chuyên môn thay vì một người thiếu chí tiến thủ. Tuy nhiên, kỹ năng tự học là cũng là một loại kỹ năng cần phải bỏ thời gian, tâm sức để rèn luyện chứ không phải tự dưng mà có. Lợi thế của sinh viên tâm lý học chính là ở điểm này. Các môn tâm lý học nhận thức và khoa học thần kinh cung cấp cho họ sự hiểu biết về các cơ chế vận hành và bản chất sinh học của trí nhớ, khả năng học tập, tiếp thu thông tin, khả năng tập trung chú ý và cả tính sáng tạo. Khả năng vận dụng những kiến thức này để nâng cao hiệu quả học tập của chính mình giúp cho người học tâm lý trở thành những nguồn nhân lực vô giá trong doanh nghiệp và ngoài xã hội. 

Tóm lại, nếu bạn đang băn khoăn chưa biết chọn ngành nghề nào phù hợp với sở thích và khả năng của bản thân, thì tâm lý học là một lựa chọn đáng tìm hiểu. Khi chọn học tâm lý mà chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, bạn cũng đừng quá lo lắng. Hãy chuyên tâm học hỏi với một cái tâm trong sáng, cởi mở trước những hướng đi mới lạ và kiến thức được truyền đạt, đồng thời mở rộng việc tham gia các hoạt động bên ngoài sách vở để tìm hiểu thêm những sở thích, đam mê, cũng như khả năng của bản thân. Học tâm lý ở bậc cử nhân vừa là hoạt động học tập trau dồi chuyên sâu những kiến thức thú vị và khoa học vừa là hoạt động liên tục tự tìm hiểu, định hướng, và mở những cánh cửa nghề nghiệp cho bản thân. Theo nghĩa này, tâm lý học vừa là môn học mang tính khai phóng, nhân văn, lại là môn học có tính ứng dụng cao. Cũng như bất kỳ ngành học hoặc chuyên môn nào khác, tâm lý học không phải là một ngành học dễ dàng, người học phải làm việc với thái độ nghiêm túc thì mới có thể giành được những phần thưởng xứng đáng. 

Tham khảo 
 Manpower Group (2014). The Talent Shortage Continues: How the Ever Changing Role of HR Can Bridge the Gap (PDF).
World Economics Forum (2015). New Vision for Education – Unlocking the Potential of Technology, Chapter 1: The Skill Needed in the 21st Century.