Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2018

Tư duy hằng ngày: khoa học hay không khoa học?*


Nguồn: Một cảnh trong phim Spectacular Now. 
Cô gái luôn tư duy kỹ càng và anh chàng vô lo vô nghĩ phải lòng nhau

Phương pháp khoa học: Để có một khối óc sáng suốt

Phương pháp khoa học trước hết là một cách tư duy mà ta áp dụng trong đời sống hằng ngày. Chúng ta không thể trông cậy vào các phương pháp ngoài khoa học để đi tìm lời giải về thế giới xung quanh. Cách tư duy độc lập và khoa học giúp ta tư tưởng rõ ràng, sáng suốt. Người xưa đã có câu: “Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn, đó là chân hạnh phúc của con người.” hẳn ý muốn nhắn nhủ với ta rằng nếu muốn trở thành con người thực thụ, ta không chỉ cần phải rèn luyện để có một thân thể khỏe mạnh mà còn phải đào luyện cho chính mình một khối óc sáng suốt.
Bạn hãy thử xem ví dụ sau. Anh Bình là một công chức trung lưu, sống tại một khu dân cư mới, anh thường đậu chiếc xe hơi của mình ở trước nhà. Anh có thói quen đọc báo giấy và thường mua báo tại một sạp quen trong thành phố. Gần đây, anh sử dụng dịch vụ đặt báo giao tại nhà để có thể đọc báo trước khi đến sở làm. Người giao báo cho anh là một cậu bé trạc 12-14 tuổi. Cũng từ hôm ấy, anh Bình phát hiện chiếc kính chiếu hậu của xe anh bị xô lệch sang một bên. Sự trùng hợp này khiến anh Bình nghi vấn rằng cậu bé bán báo có thể là có liên quan đến sự kiện kính hậu của anh bị xô lệch.
Để kiểm tra nghi vấn của mình, anh Bình quyết định nấp và quan sát từ bên hông nhà vào thời điểm cậu bé đến giao báo. Hôm ấy, kính của anh ko bị xô lệch. Như vậy, sự kiện kính bị xô lệch và sự kiện cậu bé đến giao báo dường như không có liên quan với nhau. Tuy nhiên, có một khả năng xảy ra, đó là cậu bé bằng cách nào đó, nhận biết sự có mặt của anh ở bên hông nhà hôm ấy và đã không hành động.
Để kiểm tra thêm 1 lần nữa, anh Bình quyết định hủy đặt hàng báo. Hôm sau, cậu bé không giao báo nữa, và anh Bình phát hiện kính hậu xe vẫn bị xô lệch. Ta thấy là có thêm một bằng chứng nữa cho thấy không có mối quan hệ giữa sự kiện cậu bé giao báo và sự kiện kính bị xô lệch, và nghi vấn ban đầu của anh Bình là sai.
Như vậy, anh Bình trong câu chuyện trên đã kết hợp quan sátsuy luận để đi tìm lời giải cho nghi vấn của mình về thế giới rằng, có hay không mối quan hệ giữa sự kiện cậu bé giao báo và sự kiện kính xe bị xô lệch. Nếu anh phán đoán nóng vội, chỉ dựa trên suy đoán chủ quan của bản thân, có lẽ anh đã đi đến một kết luận sai lầm không đáng có về người khác.
Đến đây, nếu bạn là fan của Conan Doyle bạn chắc sẽ nhận ra rằng óc quan sát nhạy bén và suy luận sắc sảo của nhân vật nhà thám tử tài ba Sherlock Holmes là thứ mà ta có thể học hỏi để có được khả năng tư duy khoa học và rành rọt về các sự kiện của đời sống.

Phương pháp ngoài khoa học: Để có một khối óc hạnh phúc

Tuy nhiên, trong cuộc sống thường nhật, không phải lúc nào chúng ta cũng cần phải căng mình lên để suy nghĩ mọi thứ với một đầu óc sáng suốt và khoa học hoàn hảo. Để cho cuộc sống trở nên hiệu quả và có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề, ta thường dựa vào kinh nghiệm và trực giác để ra quyết định và hành động. Những cách thức này ta thường sử dụng trong các tình huống của đời thường vì chúng không những giúp ta kịp thời phản ứng lại đòi hỏi liên tục cấp kỳ của cuộc sống mà còn giúp ta tiết kiệm nguồn lực tâm trí, để dành nguồn lực đó cho một vài công việc ít ỏi khác nằm trong chuyên môn của ta hơn. Tư duy khoa học cho tất cả mọi câu hỏi và quyết định trong đời sống là điều không tưởng bởi nó sẽ khiến cho bạn bị kiệt sức. Tương tự, trong môn tư duy phản biện, sinh viên được học rằng tư duy phản biện trong đời sống không hẳn là tốt. Một người luôn ‘critical’ trong mọi vấn đề sẽ làm cho chính mình và những người xung quanh mệt mỏi. Đôi khi, bạn phải để cho người khác cầm tay lái và bạn chỉ việc ngồi sau ngắm cảnh, chẳng bận lòng về việc mình sẽ đi đâu, miễn là mình sẽ được đến một nơi tốt đẹp và hợp ý.
Ta thử lấy một ví dụ nôm na.
Bạn muốn mua một đĩa nhạc jazz mới để nghe dịp Tết mà bạn băn khoăn không biết chọn ai. Có quá nhiều nghệ sĩ jazz đương đại, bạn vừa hào hứng trước ý nghĩ sẽ khám phá ra một album tuyệt hảo của một nghệ sĩ jazz trẻ**, lại vừa nản lòng vì có những nghệ sĩ jazz không có gì nổi bật và không chạm được bạn. Thay vì tự loay hoay để tìm cho ra một lựa chọn hợp nhất với ý mình, bạn đề nghị những người bạn của mình góp ý. Những người mà bạn chơi chung ắt hẳn có những điểm giống bạn, vì vậy, bạn có thể tin cậy vào chọn lựa của họ rằng đó là một lựa chọn hợp với bạn mặc dù gu nhạc của bạn có thể không hẳn là trùng khớp với gu của họ. Nhưng bạn đâu cần độ chính xác hoàn hảo trong trường hợp này. Khả năng bạn tìm được một lựa chọn phù hợp vẫn cao hơn tìm kiếm ngẫu nhiên gấp nhiều lần mà lại ít hao tổn tâm trí cho việc tìm kiếm và chọn lựa. Hẳn là không khó để giải thích vì sao mối quan hệ và sự kết nối với những người xung quanh là một trong những yếu tố có tương quan cao nhất với sự hạnh phúc của con người (nghiên cứu của Harvard, nghe tóm lược ở https://goo.gl/BNfEjX)
Ví dụ trên có liên quan gần gũi đến khái niệm nghịch lý của chọn lựa (the paradox of choice) và vai trò của gắn kết xã hội (social connection) trong sự hạnh phúc của con người. Bạn có thể liên hệ tới nhiều tình huống phức tạp khác khi mà bạn không tự đi tìm lời giải cho vấn đề của mình. Trong nhiều tình huống, kiến thức có được từ kinh nghiệm của chính ta hay của người khác, từ trực giác tinh nhuệ có được do sự uyên bác của nhà chuyên môn, hoặc từ tập quán lâu đời của dân tộc là rất có ích cho đời sống thường ngày bởi nó giúp ta sống hiệu quả và hạnh phúc hơn.
Triết học cổ xưa, là tổ tiên của các ngành khoa học hiện đại như ta thấy ngày nay, đã từng là một nguồn tri thức dẫn dắt đời sống của con người. Mặc dù khoa học đã thay đổi, cập nhật nhiều kiến thức xưa đó, nhiều tác phẩm triết học vẫn còn giữ nguyên giá trị đến ngày nay. Chẳng hạn, Đạo Phật vừa là một tôn giáo, vừa là một triết lý sống. Hiểu theo nghĩa nào thì ta cũng thấy là, các tàng thư Phật Giáo, dù không có tác phẩm nào do chính Đức Phật hoặc các học trò trực tiếp của Người viết ra, đều chứa rất nhiều tri thức mà người ta có thể học hỏi và ứng dụng vào đời sống.
Tôn giáo là một ví dụ kinh điển về việc chọn lựa niềm tin và cách thức để đạt được sự hiểu biết của con người. Người bạn đời của tôi tin rằng trên đời có chúa và ta không bao giờ có thể thấy chúa bởi chúa là đấng sáng tạo và ngự ở một thượng tầng mà người cõi tạm chúng ta không được tạo ra để nhìn thấy chúa bằng mắt thường. Là một con người lý trí và theo thuyết không thể biết (bất khả tri), tôi cứng rắn nói với anh rằng chừng nào tôi còn chưa kiểm chứng được bằng giác quan về sự tồn tại của chúa, chừng đó tôi còn chưa bị thuyết phục.

"Em có thấy quang phổ hoặc sóng âm không? Chúng mình không nhìn được những ánh sáng nằm ngoài phổ nhìn thấy được (khoảng từ 380 - 700 nm) hoặc nghe được các âm thanh có tần số quá thấp (dưới 16Hz) hay quá cao (trên 20 ngàn Hz), điều đó đâu có nghĩa là những loại ánh sáng hoặc âm thanh đó không tồn tại?".

Lời giải thích của anh làm tôi bối rối. Quả thật, suy cho cùng thì nguồn tri thức đến từ khoa học cũng chỉ là một kênh tiếp cận tri thức về thế giới. Tri thức của khoa học thường đến chậm và rất dè dặt so với trí tưởng tượng và đời sống tâm linh phong phú của con người. Hơn nữa, trong các bài sau bạn sẽ thấy, khoa học không phải là cứu cánh siêu đẳng và được miễn nhiễm với mọi sai sót. Khoa học nằm trong bàn tay con người, mà con người có thể mắc sai lầm. Như vậy, hiểu và thực hành phương pháp khoa học không có nghĩa là chối bỏ, phủ nhận những lối tư duy khác mà nghĩa là trở nên vị tha hơn với sự khác biệt.
Đến đây bạn thấy rằng có hai phương pháp để tiếp cận tri thức phục vụ cho các nhu cầu của cuộc sống thường ngày. Chọn cách tư duy nào tùy thuộc vào mục đích và ưu tiên của bạn. Nếu bạn là một nhà chuyên môn, bạn không thể viện lý do rằng vì muốn tiết kiệm nguồn lực não bộ, muốn sống hạnh phúc hoặc vì bạn là người tu tập theo Phật pháp nên bạn sử dụng cách thức ngoài khoa học để trả lời câu hỏi hoặc để đưa ra một quyết định mang tính chuyên môn. Nếu bạn là một chuyên gia kỳ cựu, bạn có thể tận dụng trực giác nhạy bén và kiến thức uyên bác mà bạn dày công tích lũy. Nhưng như vậy chưa đủ bởi nó có nguy cơ dẫn đến sai lầm. Điều bạn cần làm là sử dụng phương pháp khoa học như một giàn giáo vững chãi cho ngôi nhà chuyên môn của mình. Sinh viên tâm lý là những nhà tâm lý học tương lai và giống như nhà chuyên môn dù ở bất kỳ lĩnh vực nào khác, họ cũng cần có phương pháp khoa học. Trong khi phương pháp khoa học trong cuộc sống thường ngày là một cách tư duy bằng quan sát và suy luận đơn giản, phương pháp khoa học trong nghiên cứu tâm lý và trong các ngành khoa học nói chung là một hệ thống tư duy tuân thủ theo những nguyên tắc nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn rất nhiều mà nhà khoa học dùng để đi tìm câu trả lời về thế giới xung quanh.

----

*Bài đọc thêm, không phải là bài trong chương trình giảng dạy.
**Tôi đã từng làm được điều này và tìm ra rất nhiều nghệ sĩ jazz tuyệt vời mà tôi nghe mê mệt và không biết chán suốt mấy năm cho tới tận bây giờ như Katie Melua, Sophie Milman và Madeline Peyroux, chỉ bằng việc nghe Norah Jone và Billie Holiday liên tục trên Last.fm nhờ vào thuật toán giúp đề xuất nhạc cùng gu cho người nghe dựa vào playlist cá nhân của họ. Đề xuất của Youtube ít khi đáp ứng được gu của tôi ở mức đỉnh của đỉnh như Last.fm (gần như là trên 90%). Đáng tiếc là bây giờ Last.fm không còn cung cấp dịch vụ Scrobble này cho thị trường Việt Nam nữa rồi (và có lẽ là nhiều nơi khác ở ngoài Mỹ và Canada).

Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2018

Phương pháp khoa học

Ý kiến chủ quan, tri thức kinh nghiệm có thể dẫn tới sai lầm. Trong đời sống hằng ngày, cách tư duy độc lập và khoa học giúp ta tư tưởng rõ ràng, đưa ra những quyết định đúng đắn, tránh những sai lầm do suy đoán cẩu thả, tùy tiện, và tranh biện thiếu hiểu biết. Đối với nhà khoa học, áp dụng phương pháp khoa học làm tăng xác suất ta tìm ra được lời giải thích có hiệu lực cho sự vật hiện tượng xung quanh.

Trong khi phương pháp khoa học trong cuộc sống thường ngày là một cách tư duy bằng quan sát và suy luận đơn giản, phương pháp khoa học trong nghiên cứu tâm lý và trong các ngành khoa học nói chung là một hệ thống tư duy tuân thủ theo những nguyên tắc nghiêm ngặt và chặt chẽ mà nhà khoa học dùng để đi tìm câu trả lời về thế giới xung quanh. Phương pháp khoa học có thể được mô tả bằng 6 nguyên tắc cốt lõi. Nói cách khác, một nghiên cứu phải thỏa mãn đầy đủ các yếu tố này mới được gọi là một nghiên cứu khoa học.

Thứ nhất, câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu phải có tính thực chứng, tức là có thể kiểm chứng được bằng thực nghiệm (empirically testable). Điều này có nghĩa là giả thuyết của bạn có thể được phủ nhận hoặc ủng hộ bằng cách thu thập dữ kiện quan sát được.

Ví dụ, tôi nói với bạn tôi rằng (tôi giả thuyết là) con chó Mi Mi của tôi là con chó thông minh hơn những con chó bình thường. Tuy nhiên ta giả định rằng chó thì không biết tiếng người và không biết viết nên không làm được các bài kiểm tra IQ. Như vậy, ta không thu thập được dữ kiện gì để quan sát; trong trường hợp này, giả thuyết của tôi là không mang tính thực chứng.

Thứ hai, nghiên cứu và kết quả của nghiên cứu có thể lặp lại (replicable). Điều này có nghĩa là ta phải luôn có thể tiến hành lại nghiên cứu ban đầu. Và nếu kết quả nghiên cứu chỉ lặp lại một hoặc rất ít lần, thì có khả năng là kết quả của nghiên cứu ban đầu chỉ là ngẫu nhiên. Một giả thuyết có độ tin cậy cao là một giả thuyết mà kết quả ban đầu của nó được lặp lại nhiều lần.

Ví dụ, tôi có thể thuyết phục bạn tôi rằng cách chó thể hiện trí thông minh cũng giống con người. Dựa vào lý thuyết về 6 loại hình thông minh của Gardner, tôi lý luận rằng chó Mi Mi của tôi có một loại hình thông minh quan trọng mà chỉ có loài linh trưởng bậc cao như con người mới có: khả năng tự nhận biết chính mình (self-awareness). Tôi nhớ lại rằng người ta đã từng làm thí nghiệm về tính tự nhận biết của tinh tinh bằng thí nghiệm với chiếc gương. Vậy là tôi tiến hành quan sát trong một tuần và thấy rằng con Mi Mi sau một tuần làm quen với chiếc gương cỡ lớn để trước mặt nó thì nó bắt đầu dùng gương để vuốt lông, liếm chân, chùi mép sau khi ăn, và tự chơi đùa với các phần cơ thể của nó mà trước đây nó không thấy được như cổ và lưng. Dần dần, con Mi bắt đầu tạo đủ dáng đứng, ngồi, nằm và quan sát sự thay đổi tương ứng của nó trong gương. Vậy có phải là con Mi thông minh hơn bình thường? Và giả thuyết ban đầu của tôi được ủng hộ?


Nguồn: Internet 
Thực ra, giả thuyết của tôi sẽ đáng tin hơn nếu con Mi vẫn tiếp tục thể hiện khả năng tự nhận thấy chính mình khi bạn tôi thiết kế ra một thí nghiệm khác để kiểm chứng. Chẳng hạn, bạn tôi cho con Mi uống thuốc ngủ liều nhẹ rồi đợi lúc nó ngủ say và tô màu nước màu đỏ lên vùng lông trước trán của con Mi. Khi con Mi thức dậy, bạn tôi dẫn nó tới trước gương và con Mi không có phản ứng gì trước thay đổi trên trán nó. Có vẻ như con Mi không nhận ra nó ở trong gương và vì vậy nó không quan tâm đến sự khác biệt mà bạn tôi vừa tạo ra trên trán nó. Như vậy, kết quả nghiên cứu của tôi không lặp lại. Vì vậy, giả thuyết không thể được ủng hộ hoặc bác bỏ hoàn toàn.
Qua ví dụ này ta thấy, phương pháp nghiên cứu có ảnh hưởng lớn và có thể quyết định kết quả tìm được. Một giả thuyết mạnh là giả thuyết có thể lặp lại khi được kiểm chứng bởi các phương pháp nghiên cứu khác nhau.

Nguyên tắc thứ ba là tính khách quan (objective). Điều này có nghĩa là nghiên cứu phải cho phép người khác lặp lại nghiên cứu một cách độc lập mà không cần có người nghiên cứu ban đầu. Khách quan hiểu nôm na là việc ai là người làm nghiên cứu ko ảnh hưởng đến kết quả. Ai cũng có thể tìm ra kết quả như nhau trên cơ sở những giả định và quy trình đã được mô tả trong báo cáo nghiên cứu. Như vậy, nhà nghiên cứu phải ghi chép lại một cách khách quan nhất có thể về các giả định, khái niệm, quy trình của nghiên cứu. Điều này có nghĩa là những yếu tố này phải được định nghĩa thật rõ ràng và thẳng thắn để tránh tất cả những diễn giải chủ quan có thể xảy ra.

Giả dụ như, tôi giả định rằng hành động con Mi nhìn chằm chằm vào gương suốt một phút liên tục là một hành vi biểu hiện khả năng tự nhận biết. Nhưng tôi vô tình quên không nói với bạn tôi về việc này. Vậy là quy trình tôi tiến hành để đo lường khả năng tự nhận biết của chó đã không còn khách quan nữa. Dù cả hai chúng tôi đều chia thời gian ra quan sát con Mi một cách khoa học và có hệ thống, kết quả vẫn sẽ phụ thuộc vào việc ai là người quan sát, vì cách đo lường của chúng tôi khác nhau. Kết quả là, tôi sẽ kết luận là chó Mi có khả năng tự nhận biết rõ rệt với bằng chứng nhiều hơn đáng kể so với kết luận của bạn tôi. Như vậy, nếu ta ko thống nhất về hành động nào được tính và ko được tính là khả năng tự nhận biết, thì ta nói rằng cách đo lường của ta không có tính khách quan.

Nguyên tắc thứ tư là tính minh bạch (transparent). Nguyên tắc này có nghĩa gần giống với tính khách quan. Trong khoa học, bất kỳ ai cũng có thể lặp lại kết quả của bạn, dù là người ủng hộ hay người phản đối. Điều này nghĩa là nhà nghiên cứu phải chia sẻ công khai cách họ đặt các giả định, các khái niệm được định nghĩa và đo lường ra sao, quy trình như thế nào, và bất kỳ thông tin gì khác có thể cần thiết cho việc lặp lại nghiên cứu.

Nguyên tắc thứ năm nói rằng một giả thuyết phải là giả thuyết có thể phản nghiệm (falsifiable), đây là một nguyên tắc rất quan trọng. Một giả thuyết có thể phản nghiệm nếu bạn có thể tưởng tượng ra ít nhất 1 trường hợp mâu thuẫn với giả thuyết của bạn, và vì vậy bác bỏ giả thuyết ấy. Nếu bạn không thể nghĩ ra một dữ kiện trái với giả thuyết bạn đề ra, thì có lẽ giả thuyết đó là ko thể bị phản biện.

Giả dụ, tôi có 1 niềm tin bất diệt rằng con Mi nhà tôi thông minh hơn so với trí tuệ thông thường của loài chó. Dù chúng tôi có quan sát thấy con Mi làm gì đi nữa, tôi cũng có thể lý giải rằng những hành động này đều thể hiện rằng con Mi là một con chó thông minh. Như vậy, tuyên bố ban đầu của tôi ko phải là một giả thuyết mang tính khoa học và nằm ngoài phạm trù của khoa học. Nó có vẻ giống với phạm trù của tôn giáo hay tín ngưỡng hơn là khoa học. Như vậy, nếu không có bằng chứng nào khả dĩ có thể phản bác một giả thuyết, thì việc tranh luận về giả thuyết ấy hoặc đi tìm lời giải bằng nghiên cứu ‘khoa học' là vô ích bởi lẽ kết luận dường như đã được khẳng định từ trước rồi.

Nguyên tắc cuối cùng của khoa học là sự nhất quán trong lô-gic suy luận (logically consistent). Một giả thuyết phải luôn nhất quán trong cách lập luận. Điều này có nghĩa là ko được có bất kỳ một sự mâu thuẫn nội tại nào từ lúc hình thành giả thuyết cho tới khi diễn giải kết quả tìm được sau khi thu được dữ kiện quan sát. Một cách nôm na, điều này có nghĩa là nhà nghiên cứu phải trước sau như một trong cái mà họ tính là bằng chứng ủng hộ hoặc bác bỏ giả thuyết.

Trong ví dụ về chó kể trên, tôi giả thuyết rằng con Mi nhà tôi thông minh hơn hẳn so với những con chó khác, và khả năng nhận ra sự thay đổi của mình qua gương của nó thể hiện điều đó. Nhưng giả sử con Mi không nhận ra trên trán nó có sự khác biệt thì sao? Tôi có thể giải thích là vì con Mi không thích vết màu trên trán nó nên nó giả bộ lờ đi, làm bộ làm tịch như là không thấy để đỡ xấu hổ. Dĩ nhiên, lập luận như vậy không có tính nhất quán. Tôi đã thay đổi cách diễn giải kết quả sau khi tôi có dữ kiện quan sát để có thể phù hợp với giả thuyết của tôi. Như vậy, điều này khiến giả thuyết của tôi là không thể bác bỏ được. Bởi lẽ, tôi sẽ luôn luôn có cách để giải thích và kết luận rằng con Mi nhà tôi rất thông minh, cho dù nó có nhận ra nó trong gương hay không.

Phương pháp khoa học cần một thái độ nghiêm túc. Nhà khoa học phải luôn giữ một tâm thái hết sức cởi mở và minh bạch. Họ chấp nhận những phản biện và sẵn sàng từ bỏ hoặc điều chỉnh giả thuyết của mình nếu có ai đó đưa ra những giải thích tốt hơn bằng một lý thuyết hoặc giả thuyết khác. Khoa học chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó vận hành giống như thuyết tiến hóa của Darwin; con người nên để cho chọn lọc tự nhiên làm công việc của nó, đó là chọn ra những giả thuyết khả dĩ nhất để tồn tại và đi tiếp cuộc hành trình của tri thức.

Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

Những phương pháp ngoài khoa học

Loạt bài viết này là một phần trong tài liệu giảng dạy môn Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu trong tâm lý học của Phạm Thị Thủy Tiên tại trường ĐH KHXH & NV TP.HCM T11/2017 - T1/2018. Đối tượng của các bài viết là sinh viên tâm lý học và những người có quan tâm đến tâm lý học và phương pháp nghiên cứu khoa học. Bạn có thể tùy ý sử dụng các tài liệu gồm bài viết, slide bài giảng và các tài liệu khác được chia sẻ lên blog này. Chỉ mong bạn dẫn nguồn nếu sử dụng cho mục đích giảng dạy hoặc các mục đích thương mại.


Galileo trình bày thuyết nhât tâm với kính viễn vọng trước nhà thờ thiên chúa giáo
------

Để hiểu tại sao ta cần phương pháp khoa học, trước hết ta để ý cách mà ta căn cứ hằng ngày để đạt được sự hiểu biết trong đời sống hằng ngày. Con người có thể chấp nhận một điều gì là đúng dựa vào trực giác hoặc niềm tin. Năm tôi học lớp 7, nhà tôi được tặng một chú chó lai Nhật xinh đẹp, tôi gọi nó là Mi Mi. Tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng con Mi Mi của tôi yêu tôi nhất đời nó. So với tôi, tình yêu của con Mi với các chàng chó đực đẹp trai có duyên khác xớ rớ xung quanh hoặc các em bé xinh xắn nhỏ xíu mà con Mi mang nặng đẻ đau, hoặc ngay cả là em trai tôi - người cùng tôi săn sóc dạy dỗ nó từ tấm bé, đều thua xa tình yêu thắm thiết khăng khít mà con Mi dành cho tôi. Tôi biết chắc và cảm nhận rất rõ điều này trong sâu thẳm trái tim mình. 

Theo bạn niềm tin này có phải là một cơ sở tốt của sự hiểu biết không? Hẳn là không. Đơn thuần tin vào điều gì đó không làm cho nó thành sự thật. Những điều mà ta tin tưởng vững chắc có thể hóa ra là sai. Hơn nữa, nếu có ai đó tin vào điều ngược lại thì sao? Nếu em trai tôi tin rằng con Mi thương em tôi hơn thì sao? Không có cách nào để dàn xếp ổn thỏa rằng ai đúng, ai sai chỉ bằng cách tranh cãi về hai niềm tin trái ngược nhau. 

Chúng ta có thể đem vấn đề ra hỏi những người khác để đếm số người ủng hộ và người phản đối của mỗi tuyên bố trên và người đúng là kẻ chiến thắng với đa số người bình chọn. Nhưng sự đồng thuận cũng không phải là cơ sở tốt của tri thức. Chỉ vì có nhiều người chấp nhận một điều gì đó không có nghĩa là điều đó đúng. Trong suốt một thời gian dài người ta tin rằng mặt trời xoay quanh trái đất. Nhưng hóa ra không phải. Copernicus đã ngờ điều ngược lại. Và Galileo đã chứng minh thuyết phục bằng cả lập luận và thực nghiệm thiên tài của mình rằng trái đất xoay quanh mặt trời và mặt trời mới là trung tâm của Thái Dương Hệ. Galileo không phải là người đầu tiên nghi ngờ ‘sự thật’ mà đám đông thừa nhận lúc bấy giờ nhưng ông là người đầu tiên quyết tâm không phủ phục trước tòa án Kito giáo và nêu rành mạch kết luận dựa vào phương pháp khoa học của mình. Có lẽ chính vì thế mà ông được gọi là cha đẻ của nền khoa học hiện đại và ông cũng là thần tượng của lòng tôi. 

Như bạn thấy ở trên, ngoài kinh nghiệm, trực giác, niềm tin, hoặc sự đồng thuận, một nguồn hiểu biết mà người ta hay cậy vào nữa đó là ý kiến của chính quyền hoặc những người có quyền lực nói chung. Trong xã hội hiện đại, những người có quyền lực là người nắm giữ nhiều nguồn lực trong tay (bất kể lý do): tiền bạc, tài nguyên, sự trọng vọng của người khác, hoặc có khi là sự thừa nhận về năng lực, kinh nghiệm khiến họ giữ những chức vụ cao trong xã hội, v.v… Đây cũng không phải là những cơ sở tốt của sự hiểu biết. Ý kiến của những cá nhân nắm quyền kể trên (v.d. nguyên thủ quốc gia, chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo…) cũng chỉ là một ý kiến cá nhân. Có thể những cá nhân này có thể tiếp cận nhiều kiến thức hoặc kiến thức chất lượng hơn nhưng ảnh hưởng cá nhân của họ cũng dự phần quan trọng vào việc ý kiến của họ được chấp nhận. Nghề nghiệp và danh vọng của họ phụ thuộc vào đó. Hãy lưu tâm điều cuối cùng này thật kỹ trước khi bạn tiếp nhận thông tin. 

Ví dụ, tôi thuê một chuyên gia về trò chuyện với loài vật và người này tuyên bố rằng con Mi thương tôi hơn cả. Dĩ nhiên em tôi có lý do chính đáng để lo ngại về kết quả này, nhất là khi bà chuyên gia được tôi trả tiền để ‘nghiên cứu’ ra kết luận trên. Nếu em lại cũng đi thuê một ‘bà thầy’ khác để phán rằng con Mi thương em tôi hơn cả. Vậy có khác gì là hai cá nhân đang tranh luận về quan điểm cá nhân đối nghịch của mỗi bên. Không hề có chứng cứ gì cả ngoài tranh cãi quan điểm. 

Vậy làm sao để có chứng cứ? Giả sử, tôi quan sát rằng cứ mỗi lần tôi đi học về, con Mi đều sà vào lòng tôi và liếm tay chân mặt mũi tôi suốt 5 phút đồng hồ. Còn với em tôi, nó chỉ mừng như thế trong 1 phút là thôi. Từ quan sát thế giới khách quan rằng con chó Mi ngồi trong lòng mừng tôi nhiều hơn em tôi 4 phút, tôi có căn cứ để yểm trợ cho tuyên bố của mình về một hiện tượng của thế giới khách quan đó, rằng con chó Mi Mi thương tôi hơn. 

Sự thu thập chứng cứ thông qua việc quan sát đơn giản này cung cấp một cơ sở đáng tin cậy hơn những cách đã kể trên, nhưng vẫn chưa đủ. Đó là vì con người ta không giỏi quan sát lắm đâu (mặc dù ta thường tự huyễn hoặc vậy). Sự quan sát của ta trong đời sống hằng ngày thường mang tính tùy tiện, thất thường. Hơn nữa, trí nhớ có xu hướng tự nhiên là chọn lọc những gì thuận với niềm tin của ta, hoặc làm cho ta thấy dễ chịu, thấy hợp ý. Ví dụ, tôi 'vô tình' quên bén rằng con Mi Mi luôn ngồi trong lòng em tôi mỗi khi chúng tôi coi hoạt hình lúc 7 giờ tối sau khi ăn cơm. Ngoài tri nhận có chọn lọc và sự quan sát tùy tiện, còn nhiều loại sai lầm khác khiến cho quan sát đơn giản không hẳn là một phương pháp đi tìm sự thật thực sự đáng tin. 

Galileo dùng quan sát và thực nghiệm để tìm ra lý thuyết heliocentrism - thuyết về thái dương hệ. Nhưng ông đồng thời cũng công nhận vai trò của lập luận logic. Chính ông cũng tự kiểm nghiệm lý thuyết của mình bằng các lập luận logic toán học. Tuy nhiên, cũng tương tự như quan sát, con người ta mắc nhiều sai lầm trong lập luận logic. Môn tư duy phản biện ở trường dạy cho sinh viên các ngụy biện mà chúng ta hay dùng một cách vô thức hay hữu thức. Những kiểu ngụy biện như vậy nhiều vô kể. Cái dễ nhìn ra nhất đó là lập luận của ta nhiều khi không nhất quán và không có tiền đề rõ ràng nhưng ta không nhận thức được do ta thiếu hiểu biết về cách thức lập luận đúng đắn. Sự tranh cãi trong vòng lẩn quẩn giữa những tranh biện kiểu này không giải quyết được gì ngoài việc hao tổn thời gian, tinh thần và trí lực của chính ta. 

Như vậy, muốn có được hiểu biết đúng đắn về thế giới xung quanh, chúng ta không thể dựa vào kinh nghiệm, trực giác, tập quán xã hội hay quyền lực. Cũng không thể cậy nhờ vào quan sát chủ quan và lập luận mù mờ, vô minh. Điều ta cần làm là quan sát một cách có hệ thống kết hợp với lập luận logic bài bản và nhất quán. Nói cách khác, chúng ta cần áp dụng phương pháp khoa học