Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017

Tự sự của một nhà giáo ưu tú Hoa Kỳ

Đáp đền tiếp nối: Duy trì mối quan tâm và sự tham gia của sinh viên ở giáo dục đại học 
- Stephanie E. Afful, Fontbonne University
Bài dịch từ bài gốc Tiếng Anh, "Paying it Forward: Continuing the Care and Student Engagement in College Teaching" bởi Stephanie E. Afful, trong cuốn Teaching of Psychology in Autobiography: Perspectives from Exemplary Psychology Teachers (Volume 5) (Buff, Stowell, & Buskist, 2014)

Người dịch: Phạm Thị Thủy Tiên
------
Không phải là trùng hợp ngẫu nhiên khi tôi vừa là tâm lý gia xã hội và là giáo sư đại học. Tôi đúng là một sản phẩm của môi trường xung quanh mình. Hiện tại, tôi là phó giáo sư ở Đại Học Fontbonne, một trường đại học nhỏ chuyên về các môn nghệ thuật khai phóng ở St. Louis, nơi tề tựu của khoảng 1000 sinh viên. Tôi lấy bằng đại học tâm lý học và xã hội học ở Đại Học Drury (cũng là một trường đại học tư thục khai phóng) và bằng Thạc Sĩ và Tiến Sĩ tâm lý học xã hội ở trường Đại học Saint Louis. Tôi cũng có một chứng chỉ giảng dạy sau đại học từ chương trình Kỹ Năng Giảng Dạy Bậc Đại Học từ Đại Học Saint Louis.

Năm 2011, tôi được nhận Giải Thưởng Xuất Sắc Trong Giảng Dạy Joan Goostree Stevens tại Đại Học Fontbonne và Giải Thưởng Xuất Sắc Trong Giảng Dạy Emerson. Năm 2013, tôi được trao Giải Thưởng Giảng Dạy Xuất Sắc Jane S. Halonen của Hiệp hội Giảng Dạy Tâm lý Học (STP) dành cho giảng viên mới vào nghề.

Những công việc mà tôi làm tại đại học và tại khoa cũng xoay quanh vai trò là một giáo viên, đặc biệt là việc làm chủ nhiệm Hội Đồng Tâm Lý Gia Trẻ của STP, giúp cho giảng viên đang trong 7 năm đầu của sự nghiệp tại khoa cân bằng việc giảng dạy, nghiên cứu, và các công tác khác. Tôi cũng làm việc tại ban tư vấn cho Trung Tâm Kiểu Mẫu về Dạy và Học tại trường đại học của chúng tôi.

Những dốc mốc đầu tiên trên con đường nhà giáo của tôi

Khi còn ở tuổi thanh niên, tôi ấp ủ một viễn cảnh mơ tưởng là trở thành nhà nhân loại văn hóa học và chu du khắp thế gian với kênh National Geographics. Khi tôi nhận ra sự thật là những vết cắn của bọ, cắm trại, và phải ăn những thức ăn bí hiểm hóa ra không lãng mạn như tôi từng mơ tưởng, tôi thay đổi mục tiêu của mình, và nhắm tới tâm lý học và xã hội học. Tôi ứng tuyển vào một trường đại học giáo dục khai phóng nhỏ, nơi này có rất nhiều sinh viên quốc tế và chương trình giáo dục tổng quát nhấn mạnh các môn học toàn cầu (global studies) (vì vậy gãi đúng chỗ ngứa của tôi về nhân loại học). Vào năm 18 tuổi, tôi đã không biết là tuyên bố theo ngành tâm lý học sẽ dẫn tôi đến việc lấy tiến sĩ hay là cái vị trí giáo sư mà tôi vừa đạt. Lúc ở đại học, tôi biết mình muốn đi dạy. Lúc ở bậc cao học, tôi biết mình muốn dạy môn gì. Tại Drury, tôi thích thú các lớp học nhỏ, quen với các giáo sư, và cảm giác mình là một phần của quá trình học tập. Tôi có những giáo sư tuyệt vời, họ trao trách nhiệm học tập cho tôi và chính họ cũng giữ lấy trách nhiệm ấy cho mình. Trong một lớp thống kê ở một học kỳ nọ, hẳn là tôi đã không để ý tới cái thông báo nghỉ ốm giả mạo và tôi là học sinh trong lớp đi học. Tôi nghĩ, “Ôi thích quá, không phải học” nhưng thật sự là không phải vậy. Giáo sư dạy cả bài giảng hôm ấy cho tôi và chỉ có mình tôi thôi. Buổi học tiếp theo, không được báo trước, tôi đã dạy cho các bạn bài học trước đó mà tôi được học một mình. Chính lúc đó tôi nhận ra mình muốn trở thành một giáo sư.

Trong chương trình học ở bậc cao học tại Saint Louis, chúng tôi may mắn vì không chỉ có một khóa học của khoa nhằm chuẩn bị cho chúng tôi trong việc giảng dạy mà chúng tôi còn được khuyến khích theo học một chứng chỉ về Kỹ Năng Giảng Dạy Tại Đại Học tại Trung Tâm Dạy và Học Cách Tân. Chương trình bao gồm tham gia vào các hội thảo về giảng dạy, tạo một porfolio giảng dạy, làm việc với một người huấn luyện về dạy học, nhận được các nhận xét từ đồng nghiệp và một người huấn luyện trong suốt khóa học 3 tín chỉ về Giảng Dạy môn Tâm Lý học.

Mối quan hệ với người cố vấn (mentorship) cũng là một chìa khoá mở ra các chặng đường phát triển nghề nghiệp của tôi. Chúng tôi may mắn có một hình mẫu về người giáo sư ở trường cao học khi vừa đầu tư trau dồi trong cả giảng dạy và học tập (SoTL). Jim Korn dạy chúng tôi khóa Dạy Tâm Lý học và là người rất năng nổ trong STP, ông nguyên là chủ tịch của hiệp hội. Khóa học và quá trình huấn luyện với ông ấy là dẫn nhập đầu tiên của tôi đến với những cảm thức sâu sắc về khoa học giáo dục cũng như là triển khai những công cụ học tập tích cực và sáng tạo trong lớp học. Sinh viên cao học chúng tôi khá giỏi trong việc thể hiện rành mạch những mối quan tâm nghiên cứu của mình nhưng hầu như không thạo chút nào về việc thảo ra những tiêu điểm và triết lý trong giảng dạy của chính mình. Khóa Giảng Dạy Tâm lý học được dạy vào năm hai- phần đầu của chương trình học- cũng là một yếu tố quan trọng, bởi nó giúp xác định ưu tiên trong sự nghiệp của chúng tôi: làm giáo viên.

Một khía cạnh khác của chứng chỉ cao học là được làm việc với huấn luyện viên và được giám sát trong khi giảng dạy. Huấn luyện viên cao học của tôi, Richard Harvey, vừa là cố vấn nghiên cứu và cố vấn học tập của tôi. Tôi có cảm giác nổi hết gai óc vào buổi thỉnh giảng đầu tiên (chưa nói đến việc phải tự xem chính mình qua đoạn băng video), phản hồi của sinh viên và huấn luyện viên tập trung vào việc tôi cần học để trở nên linh động hơn lúc mới bước đầu thiết kế các khóa học của mình. Thành công của tôi có được là nhờ rất nhiều vào những hỗ trợ học thuật và thực hành mà tôi có được ở trường cao học. Các giáo sư tiếp tục kèm cặp tôi trong các giai đoạn tiếp theo trong con đường sự nghiệp của tôi và đó chính là những mối quan hệ mà tôi còn tiếp tục hưởng lợi tới bây giờ.

Định hình bản thân là một giáo viên

Cũng giống như việc học cao học là một trải nghiệm bé mọn, việc giảng dạy cũng củng cố cái tính khiêm nhường ấy như thể là công việc này chẳng có gì thách thức vậy. Ngoài những buổi giảng thất bại, những người tham dự thầm lặng ở các lớp hội thảo, hoặc việc đứt quãng do yếu tố kỹ thuật, vượt qua các thách thức này trong lớp học với tôi chính là tôi đã ôm ghì lấy cái phần bé mọn của mình, để cho nó trở thành một phần không thể tách rời với tôi. Tôi đã trở nên khá nhuần nhuyễn trong việc xử lý tình huống vào những thời điểm mà lớp học không đi theo cách mà tôi dự định bằng việc khơi dậy khiếu hài hước với các sinh viên của mình, rồi cố gắng khắc phục và thử lại. Sinh viên đánh giá cao tính hài hước và sự dễ tiếp cận hơn là các quy định và tính chuyên nghiệp của khóa học (Kusto, Afful, & Mattingly, 2010).

Một thách thức khác trong việc tự định vị chính mình là một giáo viên đó là vào bước khởi đầu của quá trình nộp đơn vào các trường cao đẳng nhỏ, những nơi này yêu cầu khối lượng giảng dạy nặng nề và ít hỗ trợ nghiên cứu. Khi chuyển đổi từ trường cao học sang viện hàn lâm, tôi đã khó mà cảm thấy tự tin vào những lựa chọn của mình khi mà tôi so sánh lương của mình với lương bổng và các quỹ tài trợ phòng thí nghiệm dồi dào của các bạn đồng môn khác. Tôi đã hy sinh khả năng tiếp tục nghiên cứu ở cùng cấp độ và tần suất trong vị trí mới này. Một khi tôi thả lỏng cái tôi của mình đi (vẫn tiếp tục tập luyện lòng khiêm nhường), tôi trở nên dễ chịu hơn với nhân thân của mình, trước nhất là một giáo viên, thứ đến mới là nghiên cứu viên. Thách thức này đã cho phép tôi kiểm tra một cách khoa học những cách thức tốt nhất mà tôi có thể làm để nâng cao hiệu quả sư phạm và thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp của mình.

Cuộc đời đã kiểm chứng của một giáo viên

Trung tâm triết lý giảng dạy của tôi là nhóm ngọn lửa đam mê đối với môn tâm lý học vào trong lòng sinh viên của mình, triết lý này được hiện thực hóa theo nhiều cách khác nhau bao gồm các chiến lược lấy người học làm trung tâm, học chủ động, thảo luận, v.v... Nếu tôi có thể làm cho sinh viên cảm thấy hứng thú với môn thống kê – thì hẳn là tôi đẫ làm điều gì đó đúng hướng. Nếu họ cảm thấy bị lôi cuốn và nhận trách nhiệm đối với việc học tập của chính họ, khi đó sẽ dễ để mở rộng tính ứng dụng và các tài nguyên khoa học mà chúng tôi cố gắng đưa vào trong các chương trình tâm lý học ở bậc cử nhân.

Tại Fontbonne, tôi có cơ hội biến đam mê của mình trong việc dạy tâm lý học theo những cách sáng tạo thành hiện thực. Tôi thích các lớp học nhỏ và các cơ hội thảo luận các vấn đề với sinh viên. Tôi yêu thích việc trở thành phần mở đầu dẫn vào môn tâm lý học cho nhiều sinh viên cao đẳng năm nhất, để làm cho họ thực sự ngỡ ngàng về tính bát ngát của lãnh địa tâm lý học, và cũng giúp cho họ cảm nhận sâu sắc tính ứng dụng của tâm lý học trong đời sống hằng ngày của họ. Tôi thích việc dạy các khóa ở cấp độ cao hơn với các sinh viên quen thuộc và nhấm nháp cái dư vị của khoảnh khắc mà họ ứng dụng những kiến thức từ các khóa trước vào các lý thuyết và phương pháp mới.

Một lợi ích khác của việc dạy tại một đại học nhỏ là mối quan hệ tiếp diễn với sinh viên với vai trò vừa là một người hướng dẫn, vừa là người kèm cặp. Tôi nhận ra rằng một trong những yếu tố tưởng thưởng lớn nhất của việc đi dạy là khi sinh viên được nhận vào trường cao học. Đó chính là lời phản hồi sau chót nói lên tất cả. (Đặc biệt là khi họ trở thành sinh viên xuất sắc nhất trong lớp học thống kê đầu tiên ở trường cao học!) Khi họ nối gót theo tôi, tìm kiếm một sự nghiệp khoa bảng, tôi được dịp nhắc nhớ lại về cảm giác của mình khi chuyển tiếp từ cử nhân lên bậc cao học. Đó là niềm động viên củng cố xuyên suốt cho niềm tự tin về năng lực của tôi như một người giáo sư.

Tôi cũng nhận ra rằng triết lý giáo dục của tôi đã tiến hóa theo thời gian. Ban đầu, như bất kỳ nhà giáo mới bắt đầu nào, tôi cảm thấy áp lực phải dạy hết mọi thứ trong sách giáo khoa đồng thời duy trì quyền lực và kiểm soát trong lớp học. Khi mà tôi bắt đầu chuyển dần sang lối tiếp cận lấy người học làm trung tâm, tôi cảm thấy thoải mái hơn khi từ bỏ kiểm soát và cho phép sinh viên chịu trách nhiệm và có nhiều lựa chọn hơn trong giáo trình và bài tập. Weimer (2002) định nghĩa lớp học lấy người học làm trung tâm là những lớp chuyển đổi cán cân quyền lực sao cho tiêu điểm nghiên về việc học hơn là việc dạy, điều này cho phép sinh viên có được mức độ trách nhiệm và tự chủ cao hơn hầu hết các môi trường lớp học truyền thống khác. Khi sinh viên chịu trách nhiệm với việc học của chính mình, họ được kết nối, họ tham gia thực sự, và làm việc chăm chỉ hơn ngoài giờ học. Các lớp học lấy người học làm trung tâm cũng tập trung dạy ít nội dung nhưng dạy sâu hơn trong khi khuyến khích sinh viên tự chiêm nghiệm về cách học của họ (Weimer, 2002). Tùy thuộc vào khóa học, tôi thường cho sinh viên quyền chọn bài tập, quy định khóa học, và chủ đề thảo luận. Sau một chút do dự ban đầu khả dĩ, sinh viên tỏ ra thích và đánh giá cao tính tự chủ và sự tôn trọng lẫn nhau trong quá trình học tập.

Một phần trong việc triển khai một lớp học lấy người học làm trung tâm, hoặc bất kỳ chiến lược dạy học nào mới, đòi hỏi phải lượng giá. Tôi thường dạy những phần liên tiếp của các khóa học, điều này cho phép tôi áp dụng một kỹ thuật mới trong một phần còn phần thứ hai thì coi như là một nhóm đối chứng bán can thiệp. Lượng giá việc giảng dạy không chỉ là hỏi sinh viên xem họ có thích cách hoạt động của khoá học hay không.

Hơn thế, nó nên bao gồm cả việc đánh giá không chỉ những gì họ đã học mà là cách giúp họ học tốt nhất là gì. Tôi thường dùng việc đánh giá quy trình, hữu ích ở 2 chỗ: Nó thúc đẩy sinh viên chiêm nghiệm về việc học của chính họ đồng thời cho người dạy những phản hồi về sự hiệu quả của các kỹ thuật đã dùng. Một trải nghiệm bé mọn khác đối với tôi là khi phản hồi của sinh viên không giống như tôi dự đoán. Thực hành các thay đổi mới mẻ liều lĩnh trong lớp học cũng đòi hỏi chúng tôi không được gắn kết với bất kỳ chiến lược hoặc hoạt động giảng dạy cụ thể nào. Chúng tôi luôn đi tìm sự kiểm chứng khoa học của các phương pháp học tập tiến bộ trước mỗi thay đổi như thế bởi vì đôi lúc sự chớp nhoáng và tính độc đáo của một điều gì mới có thể giẫm lên tính hiệu quả đích thực của nó. 

Một công cụ hữu ích khác trong việc nâng cao năng lực sư phạm của chúng tôi là đi hỏi những phản hồi nằm ngoài những gì được yêu cầu để được vào biên chế và được thăng chức. Phản hồi từ các đồng nghiệp không nên chỉ vì bắt buộc mà nên là để mang lại những đóng góp mang tính xây dựng và phong phú. Tôi đã mời các đồng nghiệp quan sát lớp của mình khi tôi áp dụng phương pháp dạy học mới. Phản hồi này không nhất thiết được phản ánh trong hồ sơ biên chế nhưng nó cho tôi những thông tin cực kỳ hữu ích về kỹ năng đứng lớp của mình. Dunn (2013) gần đây có bài nói chuyện về các giáo viên là chuyên gia trong giảng dạy trong đó anh khảo sát các nét tính cách và thói quen của những giáo viên được trao giải thưởng giáo viên giỏi. Một điểm khiến tôi chú ý đó là các giáo viên trong mẫu của anh ấy đều tận tâm trong việc liên tục chiêm nghiệm và đánh giá phương pháp của chính họ. Lòng kiên gan bền chí của chúng tôi trong việc mài dũa kỹ năng của mình có thể gọi là một dạng siêu nhận thức (metacognition). Halonen, Dunn, McCarthy, và Baker (2012) cũng cho lời khuyên về việc làm sao để tự đánh giá tốt nhất nhờ vào đồng nghiệp, sinh viên, và tự phê bình.

Đôi dòng cuối

Dạy học là một cơ hội tuyệt vời nhất của tôi để đáp đền tiếp nối. Là một nhà tâm lý học xã hội, tôi nhận ra rằng thành công của mình là một sản phẩm của chính môi trường mà tôi đã tìm thấy chính mình – từ ngôi trường giáo dục các môn nghệ thuật khai phóng đến một chương trình cao học chú trọng vào cả chuyên môn dạy và học đến một trường đại học nơi có các đồng nghiệp hết lòng hợp tác. Khi tôi còn là một sinh viên trẻ người non dạ, người cố vấn của tôi, Vickie Luttrel, đã nói với tôi rằng “Làm giáo sư là công việc TUYỆT VỜI nhất.” Và mục tiêu của tôi kể từ đó là tích cực noi gương của những người đi trước trong việc sử dụng các phương pháp, kiến thức, và lòng tận tâm mà tôi nhận được khi còn là một sinh viên trẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét