Thứ Ba, 8 tháng 5, 2018

Chọn thiết kế nghiên cứu 2: Quan hệ nhân quả

Nguồn: Internet
Nghiên cứu khoa học trong tâm lý có bốn nhiệm vụ cơ bản, đó là quan sát, mô tả, dự báo, và kiểm soát. Chẳng hạn, nhà khoa học muốn biết tỉ lệ học sinh nam và học sinh nữ có xu hướng học chọn các khối thiên về khoa học tự nhiên và các khối thiên về khoa học xã hội ở Việt Nam, khi đó họ thực hiện nhiệm vụ quan sát và mô tả. Nhưng nếu nhà khoa học đi tìm yếu tố nào ảnh hưởng đến quyết định chọn khối thi đại học của học sinh, khi đó kết quả mà họ tìm được có nhiệm vụ dự báo hoặc đôi khi là kiểm soát. Ví dụ, người ta biết rằng niềm tin của xã hội có ảnh hưởng tới tư tưởng của học sinh từ khi chúng còn nhỏ, rằng con trai giỏi toán còn con gái phải giỏi văn. Niềm tin này dâp tắt suy nghĩ của học sinh về những khả năng khác của chúng và chúng quyết định chọn ngành theo quán tính xã hội thay vì dựa theo thực lực và niềm yêu thích tự nhiên của chính mình. Khi nhà nghiên cứu chỉ ra được điều này, họ có căn cứ để tạo ra những thay đổi trong xã hội nhằm xóa bỏ định kiến giới (kiểm soát).

Tựu chung lại, trọng trách quan trọng cốt lõi của nghiên cứu tâm lý học là đi tìm hiểu và thay đổi các tiến trình tư duy và hành vi của con người để nâng cao chất lượng cuộc sống. Để làm được điều này, quan hệ nhân quả là loại kết luận khoa học được cho là có giá trị nhất và được đánh giá cao bởi vì khả năng dự báo, ảnh hưởng và kiểm soát mà nó mang lại. Có bốn điều kiện để kết luận hai biến X và Y có mối quan hệ nhân quả.

- Có X thì có Y: Nhân và quả xảy ra cùng nhau (hay ta nói, có liên hệ với nhau)
- X có trước rồi mới có Y sau: Nhân trước, quả sau
- X và Y cùng biến thiên: Nhân và quả cùng tăng hoặc cùng giảm (hay ta nói, có mối quan hệ tương quan nhau)
- Chỉ có X mới gây ra Y: Có thể loại trừ tất cả các nguyên nhân khác gây ra Y (hay Y chỉ xảy ra khi X xảy ra)

Ta thử xem xét ví dụ sau. Nhà nghiên cứu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi rằng có mối quan hệ nguyên nhân - hệ quả giữa việc cha mẹ ly hôn/ly thân và việc học hành yếu kém ở trường của trẻ không? Nói cách khác, cha mẹ ly hôn/ ly thân (parental separation) liệu có phải là nguyên nhân gây ra việc học kém (poor academic performance) của trẻ? Để trả lời câu hỏi này, nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu về một nhóm trẻ và cha mẹ, anh nhận thấy rằng cứ cặp cha mẹ nào ly thân/ ly hôn trong vòng 5 năm trở lại đây thì đứa con của họ đạt học lực từ trung bình trở xuống ở lớp liên tục trong các năm sau đó. Điều này thỏa mãn điều kiện thứ nhất và thứ hai của quan hệ nhân quả.  Hơn nữa, dữ liệu mà anh thu thập được cũng cho thấy rằng thời gian từ lúc cha mẹ ly hôn hoặc ly thân tính tới nay càng dài thì học lực của con cũng kéo dài theo và ngày càng sa sút. Quan sát này đáp ứng điều kiện thứ ba. Khi một mối quan hệ giữa hai biến thỏa mãn ba điều kiện đầu tiên, ta nói hai biến này có mối quan hệ tương quan với nhau (correlation aka. association). Điều kiện thứ tư sẽ khó hơn nhiều bởi vì bạn phải làm sao loại trừ được hết các khả năng thứ ba khác có thể đã gây ra Y. Trong ví dụ trên, nhà nghiên cứu không thể biết chắc liệu ông ta có thể loại trừ tất cả các nguyên nhân khác có thể đã gây ra học lực kém ở trẻ. Có thể việc thiếu giao tiếp hoặc thiếu quan tâm về đời sống cảm xúc, tình cảm giữa cha và mẹ, và giữa cha mẹ với con cái chính là nguyên nhân thực sự đã gây ra cả việc cha mẹ phân ly (X) và việc học hành tụt dốc của trẻ (Y). Hoặc việc cha mẹ phân ly đã dẫn tới việc đời sống tình cảm của trẻ bị bỏ mặc, người cha/mẹ còn lại sinh sống với trẻ không còn trò chuyện, thấu hiểu trẻ, và chính điều này (lack of parental-child communication) đã khiến cho trẻ học hành sa sút, chứ không phải bản thân việc cha mẹ phân ly như ta giả thuyết ban đầu.

Khả năng có nguyên nhân khác (alternative explanations) trong ví dụ trên gây ra mối đe dọa với nội hiệu lực của nghiên cứu (threats to internal validity). (Khái niệm độ hiệu lực - validity là một khái niệm quan trọng mà ta sẽ cùng nói tới rất nhiều trong các bài viết tiếp theo). Như vậy, không nên lầm lẫn tương quan (correlation) và nhân quả (causality). Để có nhân quả, trước hết phải có tương quan. Nhưng có tương quan (thỏa 3 điều kiện đầu tiên của nhân quả) thì chưa chắc có nhân quả. Quả thật, trong ví dụ trên, ta không kết luận được về mối quan hệ nhân quả mà chỉ có thể dừng lại ở tuyên bố về mối quan hệ tương quan giữa hai biến quan tâm.

Tóm lại, giả thuyết về quan hệ nhân quả là giả thuyết quan trọng và thú vị nhất. Nếu ta biết cái gì gây ra một hiện tượng mà ta quan tâm thì ta có thể hiểu chính xác, từ đó dự báo, ảnh hưởng lên và kiểm soát hiện tượng đó tốt hơn. Theo truyền thống, quan hệ nhân quả chỉ có thể được kiểm chứng triệt để nhất bằng thiết kế thí nghiệm thực sự (true experimental design) hay còn gọi là nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên (Randomized Controlled Trials – RCTs). Ngày nay, một số thiết kế đặc biệt và được tiến hành tỉ mỉ và công phu trong khoa học xã hội cũng có thể dùng để tìm quan hệ nhân quả đó là nghiên cứu đoàn hệ (cohort study) hay nghiên cứu theo dòng đời (longitudinal study). Anh là quốc gia phương Tây đầu tiên trên thế giới dùng tiếp cận này trong nghiên cứu khoa học xã hội vào những năm 1946, 1958 và 1971, và còn tiếp tục nhiều cohort như vậy sau mỗi chục năm và cho ra đời những nghiên cứu có giá trị khoa học và ứng dụng cao trong việc vận động thay đổi các chính sách quan trọng về y tế, giáo dục và an sinh xã hội. Các nước Mỹ, Canada, New Zealand, Úc, v.v.. cũng đã nối gót theo Anh và bắt đầu những nghiên cứu tương tự. Năm 2013, Úc vừa công bố báo cáo 30 năm nghiên cứu những trẻ em sinh năm 1983, trong đó đưa ra câu trả lời cho nhiều câu hỏi nghiên cứu rất thú vị. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét