Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Một số khái niệm phương pháp luận



VỀ VIỆC DẠY VÀ HỌC PHƯƠNG PHÁP LUẬN

Các học phần về phương pháp nghiên cứu ở Việt Nam luôn được đặt một cái tên rất dài và gây hoang mang: Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu khoa học trong ABC. ABC có thể là Tâm lý học, Kinh tế học, Xã hội học, v.v... Còn ở Anh thì khác, hoặc ít nhất là ở trường tôi. Mặc dù là một chương trình học nặng tính nghiên cứu hàn lâm, lớp thạc sĩ của tôi hoặc rộng hơn là cả khoa tâm lý học ở đại học Surrey không hề có một môn học nào tên như vậy. Nguyên nhân là vì môn phương pháp được lồng vào từng học phần lẻ.

Ví dụ, bạn sẽ được học phương pháp nghiên cứu của tâm lý học phát triển, tâm lý học nhận thức, lịch sử tâm lý học, tâm lý học sinh học (hay khoa học thần kinh) thông qua một bài tập mà bạn sẽ phải tự làm nghiên cứu với những quy trình y như một nghiên cứu thật. Chỉ khác là nó là nghiên cứu thu nhỏ và giảng viên sẽ cung cấp sẵn cho bạn số liệu, hoặc có khi là các gợi ý về câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết thống kê và cách chọn kiểm định phù hợp thông qua các buổi tutorials. Như vậy, bạn không có cảm giác bị ‘nhồi sọ’ lý thuyết từ muôn chục kiếp trước mà sẽ được tự mình trải nghiệm những phương pháp rất cụ thể của một nhánh tâm lý học nhất định.

Một ưu điểm của thiết kế môn học kiểu này nữa là nó giúp sinh viên tránh được cảm giác trừu tượng thường gặp khi phải học ‘chay’ môn phương pháp. Từng môn học vì vậy trở nên vô cùng thú vị. Nhờ kiểu học này mà tôi đọc cả trăm nghiên cứu khoa học, đó là còn chưa kể những bài phục vụ cho luận văn - không phải đọc lướt nắm ý không thôi (superficial level) mà là đọc phân tích (analytical level), phân tích phương pháp và cách lập luận của từng bài, vì vậy mà tôi luôn có những ví dụ thực tế lấy từ nghiên cứu của chính mình hoặc từ nghiên cứu của người khác để minh họa cho bài học. Mặc dù bạn sẽ không được học nguyên một quy trình nghiên cứu từ lúc phê bình tài liệu đến lúc bàn luận kết quả một cách hệ thống, nhưng bạn học được rất nhiều bằng cách tự mày mò, tự đọc nghiên cứu, và tự quyết định và chịu trách nhiệm giải trình về chúng. Quá trình này cho bạn kiến thức trong vế thứ hai của tên môn học tại các trường Đại Học Việt Nam - Phương pháp nghiên cứu khoa học.

Nhưng còn vế thứ nhất - Phương pháp luận, thì sao? Câu trả lời là: tự đọc trong sách. Ở thư viện trường tôi có rất nhiều sách phương pháp luận nhập môn cho sinh viên tâm lý nhưng tôi đã sơ suất không mua về cuốn nào để bây giờ dùng làm sách tham khảo cho việc dạy học. Các sách triết khác hoặc các tài liệu về triết học trên mạng như bách khoa toàn thư triết học của Stanford mặc dù đã khá cô đọng nhưng vẫn rất hàn lâm. Hàn lâm của các môn khác đã đủ mệt, huống chi lại là hàn lâm kiểu …triết. Cho nên bài viết này ra đời với mong muốn hệ thống hóa một số khái niệm cơ bản trong phương pháp luận. Bạn đọc có thể dùng các từ khóa (từ in nghiêng, tiếng Anh, trong ngoặc) để tra cứu thêm nếu muốn.

TẠI SAO NÊN ĐỌC VỀ BẢN THỂ LUẬN VÀ NHẬN THỨC LUẬN?

Khi viết bài này tôi tình cờ đọc một bài viết của một nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Úc kể rằng anh đã loay hoay vì tự nghi ngờ chính quan điểm phương pháp luận của mình cho đến khi đọc về các quan điểm nhận thức luận chính thống của khoa học để rồi vỡ òa vì tìm được tiếng nói chung với tư duy của các vị tiền bối khoa học (xem bài viết tại https://goo.gl/Exp2db). Như vậy, có vẻ như đúng là người ta không nhắc đến phương pháp luận ở lớp hoặc là sinh viên nghe về chúng như nước đổ lá môn. Cũng vì sợ phải đối diện với sự trừu tượng của phần phương pháp luận, sợ sinh viên bỏ lớp mà tôi đã không đưa phần này vào bài giảng mà chỉ điểm sơ qua một vài khái niệm có liên quan trực tiếp và không thể không nói đến để làm nền tảng cho phương pháp định lượng. Sau này, tôi sẽ cố gắng khắc phục điểm này và đưa các khái niệm triết học vô bài sao cho chúng ít khô khan nhất có thể. Bởi lẽ, quan điểm phương pháp luận là sợi chỉ dẫn đường cho phương pháp nghiên cứu của bạn xuyên suốt quá trình từ đặt câu hỏi, xây dựng cơ sở lý thuyết, thu thập dữ liệu cho đến bàn luận kết quả nghiên cứu. Nắm rõ phương pháp luận là một điều kiện tiên quyết của người nghiên cứu sinh cao học và của những nhà khoa học nghiêm túc và muốn làm những nghiên cứu có giá trị khoa học.
----

BẢN THỂ LUẬN VÀ NHẬN THỨC LUẬN

Có hai câu hỏi hay là hai phạm trù triết học xoay quanh việc tìm kiếm tri thức của con người. Câu hỏi triết học thứ nhất nói về bản chất của sự thật (nature of reality).Điều gì tồn tại thực sự trên đời? Có cái gì trên đời mà ta cần phải đi tìm học?WHAT to study or to gain knowledge about? Phạm trù triết học trả lời cho câu hỏi này được gọi là BẢN THỂ HỌC (Ontology), nghĩa là học về sự tồn tại (the study of being) hay là về bản chất của sự thật (the nature of reality). Câu hỏi triết học thứ hai bàn về cách mà ta đạt được tri thức. Coi như ta biết những sự thật, những điều thực sự tồn tại ngoài kia là gì rồi, bây giờ làm sao ta biết được cách tiếp cận chúng, và bằng cách nào? HOW to acquire knowledge? Làm sao ta giải thích thỏa đáng cho một tuyên bố của ta về một điều tồn tại ngoài kia? HOW to turn a belief into a justified belief? Phạm trù triết học trả lời cho câu hỏi này được gọi là NHẬN THỨC LUẬN (Epistemology).

BẢN THỂ HỌC

Có nhiều quan điểm về bản thể học và các quan điểm này khác nhau ở hai câu hỏi cốt lõi:
1. Sự thật tồn tại một cách chủ quan (subjective) hay khách quan (objective)? Nói cách khác, sự thật có tồn tại độc lập với suy nghĩ của con người không?
2. Sự thật chỉ gồm những thứ cụ thể (the specifics) hay là cả những thứ phổ quát (the universals)?
Thứ cụ thể là thứ mà các thuộc tính của nó có thể quan sát được và ngược lại, thứ phổ quát là những kháin niệm trừu tượng và không quan sát được. Ví dụ, con chó soi gương và vẫy đuôi khi thấy mình trong đó là thứ quan sát được. Còn trí thông minh của con chó là thứ trừu tượng, không thể quan sát được. Có nhiều quan điểm về bản thể học, ta hãy thử xem qua ba quan điểm sau và để ý xem chúng khác nhau như thế nào dựa trên cách chúng trả lời hai câu hỏi trên.

THUYẾT DUY TÂM - IDEALISM
Những người theo thuyết duy tâm quan niệm rằng sự thật tồn tại duy nhất là ở trong suy nghĩ của con người. Không hề có sự tồn tại của thế giới vật chất bên ngoài ý chí con người bởi vì tất cả những tri nhận (perceptions) của con người về thế giới thực ra đều bắt nguồn từ các tiến trình vận động của tâm trí con người (mental processes). Sự thật là một khái niệm tạo dựng bởi tâm trí (mental construct). Cái ôm, tình yêu, điểm 10, trí thông minh là có thật, nhưng chỉ trong suy nghĩ của ta. Như vậy, với những nhà duy tâm, câu hỏi thứ hai của bản thể học không còn cần thiết phải trả lời nữa. Dù cụ thể hay phổ quát không quan trọng, sự tồn tại hay không tồn tại của chúng do tư tưởng con người quyết định.

THUYẾT DUY VẬT - MATERIALISM
Ngược lại với thuyết duy tâm, những người theo thuyết duy vật cho rằng sự tồn tại duy nhất trên đời là vật chất. Chúng tồn tại khách quan và không phụ thuộc vào suy nghĩ của con người. Tất cả những tư tưởng và tiến trình phi vật chất khác như suy nghĩ, nhận thức hoặc cảm xúc của con người đều là những sản phẩm phụ của quá trình tương tác giữa não bộ và các thế giới vật chất bên ngoài. Thuyết duy vật cũng như duy tâm, không quan tâm nhiều đến câu hỏi thứ hai của bản thể học, đó là sự phân biệt giữa cụ thể và phổ quát. Chừng nào sự tồn tại là vật chất thì còn được công nhận như một sự thật cần đi tìm hiểu. Như vậy, có thể thấy rằng thuyết duy vật mặc nhiên phủ nhận các yếu tố phổ quát, trừu tượng khỏi hành trình tìm kiếm tri thức.

THUYẾT HIỆN THỰC - REALISM
Tương tự như thuyết duy vật, những người theo chủ nghĩa hiện thực cũng cho rằng sự tồn tại duy nhất trên đời là ở dạng vật chất. Nhưng điều khác biệt là người theo thuyết hiện thực thừa nhận sự tồn tại của những yếu tố trừu tượng, chẳng hạn như hạnh phúc (happiness) hay trọng lực (gravity). Mỗi nhánh nhỏ của thuyết hiện thực đều có những quan điểm riêng về dạng thức tồn tại của những điều trừu tượng. Plato là một nhà triết học cổ đại theo chủ nghĩa hiện thực. Điều thú vị ở chỗ, mặc dù ông công nhận sự tồn tại của sự thật khách quan, nhưng ông cho rằng sự thật này tồn tại độc lập với tư tưởng con người và cũng độc lập với thế giới vật chất (the physical world). Theo ông, bởi vì giác quan con người rất dễ bị đánh lừa nên cái thế giới vật chất mà con người tri nhận được luôn mắc sai lầm, do đó cũng không phản ánh thực tế về sự tồn tại của sự thật.
Nguồn: Internet


Thuyết hiện thực trong khoa học (scientific realism) có quan điểm ôn hòa hơn khi cho rằng chúng ta có thể quan sát sự vật hiện tượng vật chất và sau đó tổng hợp thành những quy luật chung. Những quy luật chung này được diễn đạt bằng những khái niệm mang tính trừu tượng. Hiện tượng trái banh khi thả sẽ rơi xuống đất là biểu hiện của quy luật về trọng lực. Hành vi soi gương và vẫy đuôi khi nhìn thấy mình trong gương là biểu hiện của khả năng tự nhận biết chính mình (self-awareness), một dạng thức của trí thông minh theo mô hình của Gardner. Nhà khoa học theo chủ nghĩa hiện thực công nhận (hoặc là tạm thời giả định - provisionally assume) các khái niệm trừu tượng bởi vì nó hữu ích và vô cùng cần thiết trong việc thiết lập các giả thuyết khoa học. Thử nghĩ xem bạn sẽ khó khăn thế nào để tỏ tình bằng câu ‘Anh yêu em.’ nếu bạn không được dùng từ ‘yêu’ hay ‘tình yêu’ để bày tỏ ngắn gọn, súc tích nhất cho tất tần tật những hành vi cưa cẩm trước đó như mua hoa, tặng quà, nấu cho ăn hay chở người thương đi xem phim.

NHẬN THỨC LUẬN

Nhận thức luận, hay là lý thuyết về tri thức. Có nhiều quan điểm nhận thức luận. Bài viết này sẽ bàn về hai quan điểm quan trọng nhất.

THUYẾT DUY LÝ - RATIONALISM

Người theo chủ nghĩa duy lý cho rằng kiến thức chỉ có thể có được bằng cách suy luận (reasoning). Người ta dùng tư tưởng của mình để lập luận và đưa ra kết luận về sự vật hiện tượng mà không cần thông qua trải nghiệm của các giác quan về thế giới xung quanh. Những nhà duy lý đầu tiên là Plato ở thời kỳ cổ đại và Rene Descartes ở đầu thời kỳ khai sáng. Quan điểm hiện thực về bản thể học của Plato cho rằng sự thật chỉ tồn tại ở dạng vật chất và độc lập với suy nghĩ của con người nhưng vì giác quan của con người luôn mắc sai lầm, nên cách duy nhất để đi tìm sự thật về thế giới vật chất đó là thông qua suy luận. Tương tự, Descartes - người đương thời với Galileo và cũng sống trong thời kỳ đầu của cuộc cách mạng khoa học, đã trở nên nghi ngờ mọi kiến thức mà ông học được từ sách vở từ thời kỳ cổ đại của Plato và Aristotle tích lũy qua suốt đêm trường trung cổ ở Châu Âu, đến mức ông chỉ chỉ còn giữ lại một niềm tin duy nhất chắc chắn, “Tôi tư duy nên tôi tồn tại.” Cũng giống như Plato, ông cho rằng giác quan con người dễ bị đánh lừa nên không đáng tin, vì vậy chỉ có suy luận mới là con đường tìm kiếm tri thức đúng đắn nhất.

THUYẾT DUY NGHIỆM - EMPIRICISM
Ngược lại, với những người theo chủ nghĩa thực nghiệm như Aristotle và Galileo, trải nghiệm bằng giác quan là con đường quan trọng để đạt đến tri thức về thế giới. Với những nhà chủ nghĩa duy nghiệm cực đoan hơn như Francis Bacon, David Hume và các nhà thực chứng sau này (the positivists), như nhóm Vienna Circle, thì trải nghiệm giác quan là cách thức duy nhất để đi tìm tri thức. Aristotle cho rằng con người sinh ra là một tấm bảng trắng (tabula rasa) và tri nhận về thế giới sẽ lấp đầy tấm bảng đó. Ông vẫn sử dụng suy luận logic và dùng các khái niệm phổ quát để khái quát hóa các quan sát của mình và gọi đó là các nguyên tắc đầu tiên hay còn gọi là tiền đề (first principles/ premises). Có thể gọi ông là một nhà thực nghiệm ôn hòa. Tuy nhiên, điểm yếu của Aristotle là ở chỗ các quan sát của ông không có hệ thống nên ông mắc sai lầm (bias) có khi ngay từ các tiền đề, từ đó dẫn đến kết luận sai. Sau này, Galileo sử dụng quan sát một cách có hệ thống, có kiểm soát bằng thực nghiệm (experiments) kết hợp với kiểm chứng bằng tư duy logic (thought experiments) về cùng một sự vật, hiện tượng cho các giả thuyết của mình. Ông đánh giá cao thực nghiệm nhưng cũng xem trọng suy luận logic. Quyển sách ‘The Book of Nature’ trong đó ông giải thích các kiến thức về tự nhiên bằng toán học là minh họa kinh điển cho vai trò của logic toán học bên cạnh quan sát có hệ thống trong việc tìm ra tri thức về thế giới.

Bài viết tiếp theo sẽ bàn về một số khái niệm phương pháp luận khác như diễn dịch, quy nạp và phương pháp nghiên cứu của khoa học ngày nay: diễn dịch - giả thuyết (hypothetico-deductive method) và thực nghiệm kiến tạo (constructive empiricism). Bạn sẽ nhận ra rằng các quan điểm nhận thức luận của khoa học hiện đại đã trở nên ôn hòa và linh hoạt hơn so với các quan điểm của khoa học từ trước thế kỉ 20.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét