Nguồn: Một cảnh trong phim Spectacular Now. Cô gái luôn tư duy kỹ càng và anh chàng vô lo vô nghĩ phải lòng nhau |
Phương pháp khoa học trước hết là một cách
tư duy mà ta áp dụng trong đời sống hằng ngày. Chúng ta không thể trông cậy
vào các phương pháp ngoài khoa học để đi tìm lời giải về thế giới xung quanh.
Cách tư duy độc lập và khoa học giúp ta tư tưởng rõ ràng, sáng suốt. Người xưa
đã có câu: “Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn, đó là chân hạnh
phúc của con người.” hẳn ý muốn nhắn nhủ với ta rằng nếu muốn trở thành con
người thực thụ, ta không chỉ cần phải rèn luyện để có một thân thể khỏe mạnh mà
còn phải đào luyện cho chính mình một khối óc sáng suốt.
Bạn hãy thử xem ví dụ sau. Anh Bình là
một công chức trung lưu, sống tại một khu dân cư mới, anh thường đậu chiếc xe
hơi của mình ở trước nhà. Anh có thói quen đọc báo giấy và thường mua báo tại
một sạp quen trong thành phố. Gần đây, anh sử dụng dịch vụ đặt báo giao tại nhà
để có thể đọc báo trước khi đến sở làm. Người giao báo cho anh là một cậu bé
trạc 12-14 tuổi. Cũng từ hôm ấy, anh Bình phát hiện chiếc kính chiếu hậu của xe
anh bị xô lệch sang một bên. Sự trùng hợp này khiến anh Bình nghi vấn rằng cậu
bé bán báo có thể là có liên quan đến sự kiện kính hậu của anh bị xô lệch.
Để kiểm tra nghi vấn của mình, anh Bình
quyết định nấp và quan sát từ bên hông nhà vào thời điểm cậu bé đến giao báo.
Hôm ấy, kính của anh ko bị xô lệch. Như vậy, sự kiện kính bị xô lệch và sự kiện
cậu bé đến giao báo dường như không có liên quan với nhau. Tuy nhiên, có một
khả năng xảy ra, đó là cậu bé bằng cách nào đó, nhận biết sự có mặt của anh ở
bên hông nhà hôm ấy và đã không hành động.
Để kiểm tra thêm 1 lần nữa, anh Bình
quyết định hủy đặt hàng báo. Hôm sau, cậu bé không giao báo nữa, và anh Bình
phát hiện kính hậu xe vẫn bị xô lệch. Ta thấy là có thêm một bằng chứng nữa cho
thấy không có mối quan hệ giữa sự kiện cậu bé giao báo và sự kiện kính bị xô
lệch, và nghi vấn ban đầu của anh Bình là sai.
Như vậy, anh Bình trong câu chuyện trên
đã kết hợp quan sát và suy luận để đi tìm lời giải cho nghi vấn
của mình về thế giới rằng, có hay không mối quan hệ giữa sự kiện cậu bé giao
báo và sự kiện kính xe bị xô lệch. Nếu anh phán đoán nóng vội, chỉ dựa trên suy
đoán chủ quan của bản thân, có lẽ anh đã đi đến một kết luận sai lầm không đáng
có về người khác.
Đến đây, nếu bạn là fan của Conan Doyle
bạn chắc sẽ nhận ra rằng óc quan sát nhạy bén và suy luận sắc sảo của nhân vật
nhà thám tử tài ba Sherlock Holmes là thứ mà ta có thể học hỏi để có được khả
năng tư duy khoa học và rành rọt về các sự kiện của đời sống.
Phương
pháp ngoài khoa học: Để có một khối óc hạnh phúc
Tuy nhiên, trong cuộc sống thường nhật,
không phải lúc nào chúng ta cũng cần phải căng mình lên để suy nghĩ mọi thứ với
một đầu óc sáng suốt và khoa học hoàn hảo. Để cho cuộc sống trở nên hiệu quả và
có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề, ta thường dựa vào kinh nghiệm và trực
giác để ra quyết định và hành động. Những cách thức này ta thường sử dụng trong
các tình huống của đời thường vì chúng không những giúp ta kịp thời phản ứng
lại đòi hỏi liên tục cấp kỳ của cuộc sống mà còn giúp ta tiết kiệm nguồn lực
tâm trí, để dành nguồn lực đó cho một vài công việc ít ỏi khác nằm trong chuyên
môn của ta hơn. Tư duy khoa học cho tất cả mọi câu hỏi và quyết định trong đời
sống là điều không tưởng bởi nó sẽ khiến cho bạn bị kiệt sức. Tương tự, trong
môn tư duy phản biện, sinh viên được học rằng tư duy phản biện trong đời sống
không hẳn là tốt. Một người luôn ‘critical’ trong mọi vấn đề sẽ làm cho
chính mình và những người xung quanh mệt mỏi. Đôi khi, bạn phải để cho người
khác cầm tay lái và bạn chỉ việc ngồi sau ngắm cảnh, chẳng bận lòng về việc
mình sẽ đi đâu, miễn là mình sẽ được đến một nơi tốt đẹp và hợp ý.
Ta thử lấy một ví dụ nôm na.
Bạn muốn mua một đĩa nhạc jazz mới để
nghe dịp Tết mà bạn băn khoăn không biết chọn ai. Có quá nhiều nghệ sĩ jazz
đương đại, bạn vừa hào hứng trước ý nghĩ sẽ khám phá ra một album tuyệt hảo của
một nghệ sĩ jazz trẻ**, lại vừa nản lòng vì có những nghệ sĩ jazz không có gì
nổi bật và không chạm được bạn. Thay vì tự loay hoay để tìm cho ra một lựa chọn
hợp nhất với ý mình, bạn đề nghị những người bạn của mình góp ý. Những người mà
bạn chơi chung ắt hẳn có những điểm giống bạn, vì vậy, bạn có thể tin cậy vào
chọn lựa của họ rằng đó là một lựa chọn hợp với bạn mặc dù gu nhạc của bạn có
thể không hẳn là trùng khớp với gu của họ. Nhưng bạn đâu cần độ chính xác hoàn
hảo trong trường hợp này. Khả năng bạn tìm được một lựa chọn phù hợp vẫn cao
hơn tìm kiếm ngẫu nhiên gấp nhiều lần mà lại ít hao tổn tâm trí cho việc tìm
kiếm và chọn lựa. Hẳn là không khó để giải thích vì sao mối quan hệ và sự kết
nối với những người xung quanh là một trong những yếu tố có tương quan cao nhất
với sự hạnh phúc của con người (nghiên cứu của Harvard, nghe tóm lược ở https://goo.gl/BNfEjX)
Ví dụ trên có liên quan gần gũi đến khái
niệm nghịch lý của chọn lựa (the paradox of choice) và vai trò của gắn
kết xã hội (social connection) trong sự hạnh phúc của con người. Bạn có
thể liên hệ tới nhiều tình huống phức tạp khác khi mà bạn không tự đi tìm lời
giải cho vấn đề của mình. Trong nhiều tình huống, kiến thức có được từ kinh
nghiệm của chính ta hay của người khác, từ trực giác tinh nhuệ có
được do sự uyên bác của nhà chuyên môn, hoặc từ tập quán lâu đời của dân
tộc là rất có ích cho đời sống thường ngày bởi nó giúp ta sống hiệu quả và hạnh
phúc hơn.
Triết học cổ xưa, là tổ tiên của các ngành khoa học hiện
đại như ta thấy ngày nay, đã từng là một nguồn tri thức dẫn dắt đời sống của
con người. Mặc dù khoa học đã thay đổi, cập nhật nhiều kiến thức xưa đó, nhiều
tác phẩm triết học vẫn còn giữ nguyên giá trị đến ngày nay. Chẳng hạn, Đạo Phật
vừa là một tôn giáo, vừa là một triết lý sống. Hiểu theo nghĩa nào thì ta cũng
thấy là, các tàng thư Phật Giáo, dù không có tác phẩm nào do chính Đức Phật
hoặc các học trò trực tiếp của Người viết ra, đều chứa rất nhiều tri thức mà người
ta có thể học hỏi và ứng dụng vào đời sống.
Tôn giáo là một ví dụ kinh điển về việc chọn lựa
niềm tin và cách thức để đạt được sự hiểu biết của con người. Người bạn đời của
tôi tin rằng trên đời có chúa và ta không bao giờ có thể thấy chúa bởi chúa là đấng
sáng tạo và ngự ở một thượng tầng mà người cõi tạm chúng ta không được tạo ra
để nhìn thấy chúa bằng mắt thường. Là một con người lý trí và theo thuyết không
thể biết (bất khả tri), tôi cứng rắn nói với anh rằng chừng nào tôi còn chưa
kiểm chứng được bằng giác quan về sự tồn tại của chúa, chừng đó tôi còn chưa bị
thuyết phục.
"Em
có thấy quang phổ hoặc sóng âm không? Chúng mình không nhìn được những ánh sáng
nằm ngoài phổ nhìn thấy được (khoảng từ 380 - 700 nm) hoặc nghe được các âm
thanh có tần số quá thấp (dưới 16Hz) hay quá cao (trên 20 ngàn Hz), điều đó đâu
có nghĩa là những loại ánh sáng hoặc âm thanh đó không tồn tại?".
Lời giải thích của anh làm tôi bối rối.
Quả thật, suy cho cùng thì nguồn tri thức đến từ khoa học cũng chỉ là một kênh
tiếp cận tri thức về thế giới. Tri thức của khoa học thường đến chậm và rất dè
dặt so với trí tưởng tượng và đời sống tâm linh phong phú của con người. Hơn
nữa, trong các bài sau bạn sẽ thấy, khoa học không phải là cứu cánh siêu đẳng
và được miễn nhiễm với mọi sai sót. Khoa học nằm trong bàn tay con người, mà
con người có thể mắc sai lầm. Như vậy, hiểu và thực hành phương pháp khoa học
không có nghĩa là chối bỏ, phủ nhận những lối tư duy khác mà nghĩa là trở nên
vị tha hơn với sự khác biệt.
Đến đây bạn thấy rằng có hai phương pháp
để tiếp cận tri thức phục vụ cho các nhu cầu của cuộc sống thường ngày. Chọn
cách tư duy nào tùy thuộc vào mục đích và ưu tiên của bạn. Nếu bạn là một nhà
chuyên môn, bạn không thể viện lý do rằng vì muốn tiết kiệm nguồn lực não bộ,
muốn sống hạnh phúc hoặc vì bạn là người tu tập theo Phật pháp nên bạn sử dụng
cách thức ngoài khoa học để trả lời câu hỏi hoặc để đưa ra một quyết định mang
tính chuyên môn. Nếu bạn là một chuyên gia kỳ cựu, bạn có thể tận dụng trực
giác nhạy bén và kiến thức uyên bác mà bạn dày công tích lũy. Nhưng như vậy
chưa đủ bởi nó có nguy cơ dẫn đến sai lầm. Điều bạn cần làm là sử dụng phương
pháp khoa học như một giàn giáo vững chãi cho ngôi nhà chuyên môn của mình.
Sinh viên tâm lý là những nhà tâm lý học tương lai và giống như nhà chuyên môn
dù ở bất kỳ lĩnh vực nào khác, họ cũng cần có phương pháp khoa học. Trong khi
phương pháp khoa học trong cuộc sống thường ngày là một cách tư duy bằng quan
sát và suy luận đơn giản, phương pháp khoa học trong nghiên cứu tâm lý và trong
các ngành khoa học nói chung là một hệ thống tư duy tuân thủ theo những nguyên
tắc nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn rất nhiều mà nhà khoa học dùng để đi tìm câu
trả lời về thế giới xung quanh.
----
*Bài
đọc thêm, không phải là bài trong chương trình giảng dạy.
**Tôi
đã từng làm được điều này và tìm ra rất nhiều nghệ sĩ jazz tuyệt vời mà tôi
nghe mê mệt và không biết chán suốt mấy năm cho tới tận bây giờ như Katie
Melua, Sophie Milman và Madeline Peyroux, chỉ bằng việc nghe Norah Jone và
Billie Holiday liên tục trên Last.fm nhờ vào thuật toán giúp đề xuất nhạc cùng
gu cho người nghe dựa vào playlist cá nhân của họ. Đề xuất của Youtube ít khi
đáp ứng được gu của tôi ở mức đỉnh của đỉnh như Last.fm (gần như là trên 90%).
Đáng tiếc là bây giờ Last.fm không còn cung cấp dịch vụ Scrobble này cho thị
trường Việt Nam nữa rồi (và có lẽ là nhiều nơi khác ở ngoài Mỹ và Canada).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét