Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

Phân biệt đối xử giới là gì?

Bài viết bên dưới bàn và chia sẻ một phần kết quả nghiên cứu mà tôi đã làm về phân biệt đối xử giới ở Việt Nam trong năm 2018.

Mời bạn xem bản preprint của bài báo cáo full bằng tiếng Anh ở đây
Link bài full tiếng Việt ở đây

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU: Tương đồng với kết quả từ các quốc gia khác như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile, Hà Lan, Pháp, Anh, Nhật, Nam Phi, v.v…, người Việt Nam cho thấy họ có thái độ phân biệt đối xử theo giới (sexism/ sex discrimination), thể hiện qua hai khía cạnh là ác cảm và thiện cảm. Mức độ phân biệt đối xử này có liên quan với mức độ hài lòng trong công việc và sức khỏe tinh thần của người Việt Nam. Để đi đến kết luận trên, nhóm nghiên cứu của Bộ môn Tâm lý học thuộc Đại Học Hoa Sen đã kiểm tra dữ liệu của 542 người đi làm trên khắp Việt Nam bằng cách mời họ điền vào bảng khảo sát trực tuyến gồm các thang đo đã chuẩn hóa và được dịch sang tiếng Việt về thái độ giới, sự hài lòng trong công việc, và mức độ stress.

-----

PHẦN 1: PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ THEO GIỚI LÀ GÌ?

Nếu không có tác động nào bởi con người, thì xác suất một em bé ra đời là trai hoặc gái là 1/2. Và nếu giả định tỉ lệ sinh bằng tỉ lệ tử ở hai giới, thì ở bất kỳ thời điểm nào, 50% dân số thế giới là phụ nữ.

Trong khi đó:
Trong số 45 tổng thống Mỹ kể từ George Washington nhậm chức tổng thống đầu tiên vào năm 1789 cho đến thời Donald Trump đương nhiệm từ 2017 đến nay, không có một nữ tổng thống nào. Tỉ lệ là 0%.
Trong số các lãnh đạo của 500 công ty thuộc Fortune 500 list năm 2018, chỉ có 24 là phụ nữ. Tỉ lệ là 4.8%.
Trong số các thành viên nội các (ủy viên quốc hội) của các quốc gia trên thế giới, chỉ có 24% là phụ nữ. Ở Việt Nam, tỉ lệ này nhỉnh hơn trung bình thế giới một chút, vào khoảng 26%.
Ở một số quốc gia như Nhật, Hàn, Mỹ, tỉ lệ nữ bác sĩ là dưới 40%. Ở Nhật, tỉ lệ này là 20.3% (số liệu năm 2015, OECD).
Bạn chỉ cần gõ tìm ‘rate of female x around the world’ là sẽ tìm được các con số thống kê tương tự. Với x là những nghề như: bác sĩ, kỹ sư, nhà lãnh đạo chính trị, lãnh đạo công ty, nhà toán học, nhà vật lý học…

Những tỉ lệ kể trên có sự chênh lệch rất lớn so với tỉ lệ giới trong dân số. Có những tỉ lệ quá thấp và mặc dù tích lũy trong nhiều năm vẫn rất thấp (trường hợp tổng thống Mỹ) để có thể tin là hoàn toàn do ngẫu nhiên.

Theo thống kê ở Mỹ trong 10 năm vừa qua (2009 - 2018), tỉ lệ thu nhập của nữ so với nam dao động từ 80.3% - 82.5% (công việc tương đương, các yếu tố khác có liên quan như tuổi tác và trình độ là như nhau). Điều này có nghĩa là, cứ mỗi 1 đô la đàn ông kiếm được, thì phụ nữ được trả 80 xu.

Phụ nữ thường làm hầu hết hoặc phần lớn công việc nhà mang tính thường nhật, mặc dù họ vẫn đi làm mỗi ngày với thời gian y như đàn ông. Trong một báo cáo của ILO - Gallup năm 2017, 44% đàn ông Việt Nam và 38% đàn ông nói chung nói rằng họ muốn người phụ nữ trong gia đình mình có thể vừa có công việc làm được trả lương và vừa ở nhà chăm sóc gia đình (2).

Những con số trên đây là bằng chứng của một vấn đề xã hội lớn mang tên: bất bình đẳng giới (gender inequality). Tất nhiên, những chỉ số về bất bình đẳng giới còn bao hàm rất nhiều yếu tố khác nữa như cơ hội giáo dục cho trẻ em gái, đa dạng ngành nghề, cơ hội thăng tiến cho phái nữ, v.v… Việt Nam đứng thứ 69 trong tổng số gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số bất bình đẳng giới theo báo cáo của UNDP năm 2017.

Nghiên cứu của chúng tôi tập trung vào khái niệm phân biệt đối xử giới (PBĐX) vì hai lý do chính. Một mặt, các nghiên cứu về giới đã làm ở Việt Nam thường tập trung vào các chỉ số của bất bình đẳng giới thay vì tìm hiểu nhận thức về giới của mỗi cá nhân. Mặt khác, nghiên cứu đã chỉ ra rằng thái độ về vai trò giới của mỗi thành viên trong một xã hội có thể tạo ra bất bình đẳng trong xã hội đó (3,4). PBĐX giới bao gồm các tư duy khuôn mẫu giới, định kiến giới, và những thái độ, kỳ vọng hay cách đối đãi với một người theo những cách khác nhau tùy vào giới tính của họ. ‘Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm’, làm trai cho đáng nên trai’, hay ‘đàn bà học cao khó lấy chồng’ là những quan niệm có tính phân biệt đối xử giới bởi vì nó đóng khung cho phụ nữ và đàn ông những vai trò khác nhau. Ở các thế kỷ trước, một số quan niệm Khổng Tử, Nho giáo của Trung Quốc như ‘tam tòng tứ đức’, ‘trai anh hùng, gái thuyền quyên’ có du nhập vào dân gian bằng con đường văn hóa, giáo dục, đặc biệt ảnh hưởng đến những gia đình có học thức. Đại đa số quần chúng thuần nông ít học hơn khá bình đẳng, tự do yêu đương, thành thân với người mình yêu, sau khi kết hôn cả hai cùng ‘bình đẳng’ và chia sẻ trách nhiệm gia đình với nhau (5). Vào thời kỳ công nghiệp hóa những năm 1960, phụ nữ Mỹ bị bó hẹp trong khuôn bếp - tháp ngà 'mơ ước' của phụ nữ trẻ. Mục tiêu quan trọng nhất của người phụ nữ đến tuổi trưởng thành là có một người đàn ông đủ điều kiện kinh tế kết hôn với mình. Khi họ có cảm giác không ổn mà không thể nêu rành rọt lý do tại sao, bác sĩ liền chẩn đoán rằng họ mắc chứng tâm thần (mental illness) vì chỉ có điên mới không hài lòng với đời sống được cung phụng đầy đủ như hiện có - và quan trọng hơn đó là mô hình kiểu mẫu của xã hội, là mục tiêu cuộc đời của mọi phụ nữ (6). Xã hội công nghiệp vận hành suôn sẻ khi phụ nữ ở nhà lo nhà cửa, con cái, để những người đàn ông toàn tâm toàn ý đi làm công nhân ở xưởng. Việt Nam lại có truyền thống kêu gọi phụ nữ tham gia lao động sản xuất, tham gia chiến đấu trong quá khứ. Ngày nay, ở những gia đình bình dân và trung lưu, phụ nữ Việt Nam vẫn đi làm để chia sẻ gánh vác tài chính, vì thời buổi kinh tế có bao giờ thôi khó khăn! Nhưng với điều kiện cô ta vẫn phải đảm bảo tề gia nội trợ. Bởi vì cô ấy mà không làm, thì ai vào đây? Đi làm về, vợ nấu nướng, chồng ngồi đọc báo, xem ti vi chờ cơm, ăn xong vợ rửa chén dọn dẹp, chồng lại đọc báo, xem ti vi (hoặc giờ là ôm máy vi tính) là chuyện thường tình ở huyện. Chỗ của đàn ông không phải là cái bếp. Anh ta nếu phải làm việc nhà thì chỉ là những việc lớn thảng hoặc như sửa ống nước hay quét lại cái tường nhà. Con cái cứ nhìn vào bố mẹ, y như thế mà sống nếp cũ khi có gia đình riêng. Vòng lặp của vai trò giới cứ thế tiếp diễn mà chẳng ai buồn bận tâm, vì cuộc sống đã quẳng cho đủ các mối lo rồi, ai rỗi hơi đào sới lên cho mất đoàn kết, lủng củng nội bộ.

Hiện nay, giới nghiên cứu về định kiến nhất quán với lý thuyết rằng PBĐX giới tồn tại ở hai dạng: ác cảm và thiện cảm (7). PBĐX ác cảm là thái độ đánh giá thấp năng lực và phẩm chất của phụ nữ và vì vậy cư xử có tính áp đặt trong mối quan hệ với những người phụ nữ xung quanh và cho rằng phụ nữ đòi hỏi quyền lợi hoặc công bằng là những người có tính thù địch và muốn tranh đua ngôi vị thống trị của nam giới. Quấy rối và tấn công tình dục là một biểu hiện của PBĐX ác cảm với phụ nữ, rằng phụ nữ là vật thể nhục tính (sex object) chứ không phải một cá thể có những giá trị ngang hàng với nam giới. Thái độ thù địch, ác cảm với các nhà nữ quyền hoặc những người phụ nữ thành công trong sự nghiệp hoặc thóa mạ, dè bỉu nữ lãnh đạo một cách tục tĩu, thô lỗ cũng là biểu hiện của thái độ PBĐX giới ác cảm.

PBĐX thiện cảm là thái độ cho rằng phụ nữ sở hữu những phẩm chất và khả năng mà nam giới không có như nhạy cảm hơn, có gu thẩm mĩ hơn, và có tính thuần khiết, ấm áp. Họ cho rằng phụ nữ cần được đàn ông chăm lo, bảo vệ, và gánh vác trách nhiệm tài chính. Đổi lại, phụ nữ đóng vai trò bổ trợ, hoàn thiện đàn ông. Đàn ông cần có phụ nữ yêu thương và chăm lo đời sống tình cảm, quán xuyến gia đình để họ yên tâm ‘trở thành chính mình’ - người đàn ông sắm vai trụ cột gia đình và là thành viên tích cực trong xã hội. Nhìn chung, PBĐX thiện cảm thoạt nhìn thì dường như có ý tốt từ phía chủ thể phân biệt, nhưng thực sự thì nó cũng ngụ ý rằng phụ nữ thua kém đàn ông ở những phẩm chất cần thiết để làm chủ xã hội. Không chỉ nam giới mà phụ nữ cũng có thái độ phân biệt đối xử giới thiện cảm. Họ có thể lên án và nhận ra sự sai trái của việc quấy rối tình dục hoặc thóa mạ phụ nữ ngay lập tức. Nhưng họ chấp nhận một cách hiển nhiên việc mình phải đảm đương hầu hết việc nhà và phần lớn việc chăm sóc, dạy dỗ con cái. Đổi lại, họ có một mái ấm gia đình và một người chồng chí thú làm ăn, có trách nhiệm với vợ con, không có tật xấu gì đáng kể.

Những quan niệm phân biệt đối xử, dù là ác cảm hay thiện cảm, đều có tác hại đối với cả người bị phân biệt và người phân biệt. Dù là ở góc độ cá nhân, tổ chức, hay xã hội thì các dạng phân biệt đối xử theo giới đều có những tác động tiêu cực.

PHẦN 2: PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ GIỚI THÌ CÓ LIÊN QUAN GÌ ĐẾN TÔI?

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1). Phạm T. T. Tiên, Nguyễn H. Ân, Nguyễn T. Loan, Phan T.H.D Thy, Lê M. Thuận (2018). Mối quan hệ giữa phân biệt đối xử theo giới với sự hài lòng trong công việc và sức khỏe tinh thần của người lao động Việt Nam. Dự án nghiên cứu được tài trợ bởi Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và Bộ Lao Động Thương Binh & Xã Hội trong khuôn khổ cuộc thi Nghiên cứu Lao động 2018 (preprint)

(2). ILO-Gallup (2017). Towards a better future for women and work: Voices of women and men. (pdf)

(3). Brandt, M. J. (2011) ‘Sexism and gender inequality across 57 societies’, Psychological Science, 22(11), pp. 1413–1418. doi: 10.1177/0956797611420445.

(4). Glick, P., Fiske, S.T., (2000), “An ambivalent alliance: Hostile and benevolent sexim as complementary justifications for gender inequality”, American Psychologist, Vol 56, No.2, 109 – 118. American Psychological Association, US.

(5). Thông tin từ Th.S Đỗ Hồng Quân – nhà nghiên cứu và giảng viên môn Giới và phát triển, chia sẻ về Luận văn tiến sĩ của một nghiên cứu sinh người Hàn về Vị thế của phụ nữ Việt Nam qua bộ Lê triều hình luật, tại hội thảo Gender Talk ngày 14/3 tại trường Đại Học Hoa Sen.

(6). Friedan, Betty. (1963). Bí ẩn nữ tính. Nguyễn Vân Hà dịch.TP. HCM. NXB: Hồng Đức

(7). Glick, P. & Fiske, S. T. (1996) ‘The Ambivalent Sexism lnventory: Differentiating hostile and benevolen sexism’, Journal of Personality and Social Psychology, 70(3), pp. 491–512.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét