Thứ Hai, 11 tháng 11, 2019

Danh sách đọc #45,46

1. Rebecca Saxe. Your Brain: Flexible or Hard-Wired? A new book's claims about brain plasticity may be overstated - Review of The Brain That Changes Itself. (Link)

2. Rebecca Saxe. The Forbidden Experiment: What can we learn from the wild child? – Boston Review. (Link

3. Rebecca Saxe. An introduction to Cognitive Science of Moral reasoning – Boston Review. (Link)

4. Harry Frankfurt. On Bullshit. (Link)

5. The Guardian. Inside the mind of the bullshitter: Science Weekly podcast (Link

6. The Guardian. Taking on Eysenck: one man's mission to challenge a giant of psychology – Science Weekly podcast. (Link)

7. Saxe, R. (2005). Can the paradoxes of human emotion be best explained by art or by experimental
psychology? Literary Review of Cananda, 13(4), 6-8. (PDF

8. In the tough academic job market, two principles can help you maximize your chances. Science Mag. (Link)

9. Screen Use Tied to Children’s Brain Development. NYTimes. (Link)

10.  Expert reaction to study on screen use and white brain matter in children. (Link)

11. Bảo Quyên. Luật bất thành văn. VNExpress. (Link)

12. Nguyễn Lân Hiếu. Ứng xử với Trung Quốc. VNExpress. (Link)

13. Đức Hoàng. Chuyện tay buôn người. VNExpress. (Link)

14. The happiness ruse. Aeon. (Link)

   

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2019

Danh sách đọc #42

Trẻ nhỏ có khả năng 'dạy học' hơn ta tưởng! Và việc học để dạy (cho người khác) và học để khám phá (cho chính mình) đòi hỏi những cách thức tư duy khác nhau. Đó là những chiêm nghiệm của chính mình qua quá trình đi dạy trong 2 năm qua. Nghiên cứu của GS. Gweon & Schulz (2019) thật thú vị ở chỗ đã chỉ ra sự phân biệt này ở trẻ nhỏ mới 4 tuổi thôi. Trẻ con thật là những sinh vật tuyệt vời nhất, kỳ diệu nhất, và quý báu vô cùng! Những giáo viên từ trong trứng nước là đây chứ đâu. :)

Young children also spontaneously seek to
inform and demonstrate things to others, taking
into account observers’ knowledge and goals. Even
preverbal infants are more likely to point to inform
adults more when the adults are ignorant than
when they are knowledgeable (Liszkowski, Carpenter, & Tomasello, 2008), and toddlers readily override an adult’s requests for help to provide better,
alternative means to achieve the adult’s goals (Martin
& Olson, 2013).

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2019

danh sách đọc/nghe #36,37

1. Bài viết trên NYT trong chuyên mục Tình yêu thời hiện đại (Modern Love) là một câu chuyện tình giữa hai người thuộc hai giai cấp khác nhau trong xã hội Anh hiện đại. Ngoài việc câu chuyện này có liên quan tới vấn đề mà tôi luôn quan tâm (ảnh hưởng của giai tầng xã hội lên đặc điểm tâm lý và nhận thức) thì  tác giả còn khéo léo đặt một câu hỏi có tính thời sự cao vào thời điểm này ở cuối bài. Nước Anh mà tôi đem lòng yêu sau 1 năm chung sống, liệu sẽ như thế nào sau Brexit? Có lý do nào để tôi quay lại lần nữa - lần này sẽ dài hơn lần trước không? Ôi nước Anh mà tôi đã từng phải lòng... His Family Had Money. Mine Didn’t.

2. Một bài bàn về sự đổ vỡ trong tuyển sinh giáo dục đại học ở Mỹ. The Great Enrollment Crash

3. Bài giảng của GS. Barbara Tvesky về nội dung cuốn sách mới của bà. Mind in Motion

4. Bài giảng của 2 nhà khoa học về nỗi đau (pain). Cái này có liên quan tới câu chuyện mà tôi và Yến có nói đến hồi đầu tháng 7 khi ở nhà ở Biên Hoà, và tự hỏi, 'Liệu mình có làm con gián đau khi giết nó mà nó không chết ngay hay không?' và 'Liệu khi lỡ làm bị thương côn trùng thì có nên giết nó luôn hay không?'. Mình đã đưa ra lập luận rằng đau đớn là cảm giác chỉ có ở người [và điều này được khẳng định bởi một nhà côn trùng học trên Quora rằng côn trùng không có cảm đau (no pain receptor)]. Do we understand pain?

5. Bài báo về kết quả một nghiên cứu mới về bằng chứng của ảnh hưởng của ngôn ngữ và văn hoá lên tư duy (the cultural conditioning of language on thinking) từ tuổi lên ba. How Early Do Cultural Differences Start? Đọc bài báo cáo gốc ở đây: Context shapes early diversity in abstract thought

6. Bài review về Susan Sontag của tác giả Benjamin Moser trên tờ The Atlantic. Misunderstanding Susan Sontag. Bài viết có liên hệ với hiện tượng mà tôi mới để ý quan sát gần đây từ khi làm nghiên cứu về giới trong y văn cũng như trong trải nghiệm của chính mình và những người xung quanh rằng vẻ ngoài của phụ nữ có thể liên quan tới việc năng lực và tiếng nói của họ bị coi nhẹ ở nơi công sở.

7. Susan Sontag nói về nuôi dạy con. How to Raise a Child: 10 Rules from Young Susan Sontag

8. Tuần cuối của tháng 8 tôi đi nghỉ mát ở Bình Định - Phú Yên, mỗi ngày đều đi bộ trung bình 8 cây số. Và còn đọc được gần 2/3 cuốn Đường Xưa Mây Trắng của Thích Nhất Hạnh về cuộc đời và những lời dạy của Phật. Cảm giác rất bình yên và hạnh phúc khi đọc những dòng viết giản dị của thầy Hạnh và lời dạy của Bụt với học trò.

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

danh sách đọc #35

Một bài viết về 'Mentorship', một mối quan hệ đặc biệt và quan trọng ở bậc đại học và sau đại học.

Một series bài viết về tâm lý học phát triển với những tổng quan thú vị và giúp người đọc có cái nhìn rộng và sâu về những nghiên cứu từ đầu cho đến mới nhất về sự phát triển của con người. Xuất bản bởi NXB Wiley, trong tạp chí Wires Cognitive Science cuối năm 2016. Rất hay và đáng nghiền ngẫm sau khi đọc những quyển handbook như cuốn của Goswami (2011) về phát triển nhận thức hay Smith (2011) về phát triển cảm xúc - xã hội cũng của NXB Wiley. How We Develop — Developmental Systems and the Emergence of Complex Behaviors

Đọc về sự ra đời của Sci-Hub và chủ của nó Alexandra Elbakyan lại làm cho ta suy nghĩ về Open Access và về những vấn đề của thế giới, của chính trị, và các giá trị về công bằng và dân chủ. Cái chết của Aaron Swartz mà người ta cho rằng do chính quyền Mỹ bức tử và vụ Elsevier kiện Elbakyan làm cho ta phải suy nghĩ, liệu những người thông minh và không chịu thỏa hiệp những giá trị mà họ tin tưởng tuyệt đối với cách mà xã hội đangvận hành có còn chốn dung thân và sống yên bình với tài năng trời ban của họ? Đọc một số bài để nghĩ về phong trào Open Access và quyền tự do thông tin.  Should All Research Papers Be Free? Đọc lại bài dịch của cô Phạm Thị Ly Kinh doanh ấn phẩm khoa học.

Và thêm một số bài đọc khác về mối quan hệ tưởng chừng có thể rạch ròi phân định nhưng hóa ra lại không đơn giản của khoa học và chính trị. Is Science Political?The Virtue of Scientific ThinkingDemocratic Science.

Và một số tin tức về Hồng Kông, mà báo chí quốc tế dự đoán có thể là một Thiên An Môn 2019... Những thước video làm cho ta phải nổi da gà và cầu nguyện cho Hồng Kông. Trong tuần này, người HK kỉ niệm 30 năm Baltic Way bằng cách tự lập một hàng người dài 50km dọc HK và lên tới đỉnh núi Sư Tử. Bạo chính, Bạo loạn.

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

danh sách đọc (nghe) #34

Image result for reading books girl images
Photo source: Internet
1. Khối lượng công việc của một giáo sư đại học ở các đại học lớn của phương Tây được bàn luận qua bài viết về 'nhiều đầu việc' mà họ được kỳ vọng đảm nhiệm. Đối nghịch với tải trọng và đòi hỏi công việc là mức lương 'một đầu việc' của giáo sư đại học. Being a professor is too many jobs, perhaps? Điều này phải làm ta suy nghĩ về việc các sinh viên sau đại học và nghiên cứu sinh tiến sĩ và hậu tiến sĩ, hoặc nói chung là những nhà nghiên cứu trẻ có nên tiếp tục đâm đầu vào những trường đại học danh tiếng hay không? Khi kỳ vọng về 'lượng' quá cao thì 'phẩm' làm sao đạt được? Có lẽ chăng, chúng ta nên thông thái hơn trong việc 'chọn nơi gửi mình'? Đọc thêm bài The tradeoff between productivity and risk-taking và suy nghĩ về vấn đề 'phẩm' và 'lượng'. 

2. Một bước tiến rất đáng ngưỡng mộ của tạp chí Nature trong việc minh bạch hóa và tôn trọng kết quả nghiên cứu. Nature Human Behavior số mới ra có đăng một trong những bài báo 'registered report' đầu tiên của He & Cote, Self-insight into emotional and cognitive abilities is not related to higher adjustment, một bằng chứng trái chiều về vai trò của khả năng tự nhận biết bản thân trong tâm lý và tư duy. Quy trình của một registered report bắt đầu bằng việc gửi proposal đăng ký trước các bước tiến hành và giả thuyết nghiên cứu. Khi đã được duyệt thì kết quả nghiên cứu dù là không ủng hộ giả thuyết ban đầu cũng sẽ được công bố. Dĩ nhiên với yêu cầu là các bước thiết kế, thu thập và phân tích số liệu phải được thực thực hiện hết sức chặt chẽ (robust) và được công khai trên tạp chí. Bài báo này là một ca cần lưu lại để học hỏi. Các tài liệu về coding trên R được tác giả cung cấp hết sức khoa học và rõ ràng, rất tiện để mình học. 

3. Tập mới nhất của Last Week Tonight, John Oliver đụng chạm đến vấn đề muôn thuở: Thiên kiến giới trong y khoa. Bias In Medicine: Last Week Tonight with John Oliver (HBO)

4. Bài báo của Roy et al. (2006) mình đã nghe trên podcast của The Guardian rất lâu rồi nhưng giờ mới có dịp đọc bài gốc. The Human Speechome Project. Dự án rất thú vị, giống như sự kết hợp của Piaget, machine learning, computational modelling, và các công nghệ nghe nhìn tân tiến nhất. 

5. Bài viết trên The Conversation Global về tình hình của Hồng Công. Một số lối viết câu và từ vựng hay, có thể lưu lại để học và dùng. (v.d. Beijing has a long-term Hong Kong challenge on its hands, one that in many ways is of its own making.Beijing is moving to stamp out the Hong Kong protests – but it may have already lost the city for good.

6. Bài viết về Elizaberth Warren. Mô tả tiểu sử và triết lý giảng dạy của Warren. Elizabeth Warren’s Classroom Strategy A lifelong teacher, she’s the most professorial presidential candidate ever. But does America want to be taught?

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

Phân biệt đối xử giới là gì?

Bài viết bên dưới bàn và chia sẻ một phần kết quả nghiên cứu mà tôi đã làm về phân biệt đối xử giới ở Việt Nam trong năm 2018.

Mời bạn xem bản preprint của bài báo cáo full bằng tiếng Anh ở đây
Link bài full tiếng Việt ở đây

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU: Tương đồng với kết quả từ các quốc gia khác như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile, Hà Lan, Pháp, Anh, Nhật, Nam Phi, v.v…, người Việt Nam cho thấy họ có thái độ phân biệt đối xử theo giới (sexism/ sex discrimination), thể hiện qua hai khía cạnh là ác cảm và thiện cảm. Mức độ phân biệt đối xử này có liên quan với mức độ hài lòng trong công việc và sức khỏe tinh thần của người Việt Nam. Để đi đến kết luận trên, nhóm nghiên cứu của Bộ môn Tâm lý học thuộc Đại Học Hoa Sen đã kiểm tra dữ liệu của 542 người đi làm trên khắp Việt Nam bằng cách mời họ điền vào bảng khảo sát trực tuyến gồm các thang đo đã chuẩn hóa và được dịch sang tiếng Việt về thái độ giới, sự hài lòng trong công việc, và mức độ stress.

-----

PHẦN 1: PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ THEO GIỚI LÀ GÌ?

Nếu không có tác động nào bởi con người, thì xác suất một em bé ra đời là trai hoặc gái là 1/2. Và nếu giả định tỉ lệ sinh bằng tỉ lệ tử ở hai giới, thì ở bất kỳ thời điểm nào, 50% dân số thế giới là phụ nữ.

Trong khi đó:
Trong số 45 tổng thống Mỹ kể từ George Washington nhậm chức tổng thống đầu tiên vào năm 1789 cho đến thời Donald Trump đương nhiệm từ 2017 đến nay, không có một nữ tổng thống nào. Tỉ lệ là 0%.
Trong số các lãnh đạo của 500 công ty thuộc Fortune 500 list năm 2018, chỉ có 24 là phụ nữ. Tỉ lệ là 4.8%.
Trong số các thành viên nội các (ủy viên quốc hội) của các quốc gia trên thế giới, chỉ có 24% là phụ nữ. Ở Việt Nam, tỉ lệ này nhỉnh hơn trung bình thế giới một chút, vào khoảng 26%.
Ở một số quốc gia như Nhật, Hàn, Mỹ, tỉ lệ nữ bác sĩ là dưới 40%. Ở Nhật, tỉ lệ này là 20.3% (số liệu năm 2015, OECD).
Bạn chỉ cần gõ tìm ‘rate of female x around the world’ là sẽ tìm được các con số thống kê tương tự. Với x là những nghề như: bác sĩ, kỹ sư, nhà lãnh đạo chính trị, lãnh đạo công ty, nhà toán học, nhà vật lý học…

Những tỉ lệ kể trên có sự chênh lệch rất lớn so với tỉ lệ giới trong dân số. Có những tỉ lệ quá thấp và mặc dù tích lũy trong nhiều năm vẫn rất thấp (trường hợp tổng thống Mỹ) để có thể tin là hoàn toàn do ngẫu nhiên.

Theo thống kê ở Mỹ trong 10 năm vừa qua (2009 - 2018), tỉ lệ thu nhập của nữ so với nam dao động từ 80.3% - 82.5% (công việc tương đương, các yếu tố khác có liên quan như tuổi tác và trình độ là như nhau). Điều này có nghĩa là, cứ mỗi 1 đô la đàn ông kiếm được, thì phụ nữ được trả 80 xu.

Phụ nữ thường làm hầu hết hoặc phần lớn công việc nhà mang tính thường nhật, mặc dù họ vẫn đi làm mỗi ngày với thời gian y như đàn ông. Trong một báo cáo của ILO - Gallup năm 2017, 44% đàn ông Việt Nam và 38% đàn ông nói chung nói rằng họ muốn người phụ nữ trong gia đình mình có thể vừa có công việc làm được trả lương và vừa ở nhà chăm sóc gia đình (2).

Những con số trên đây là bằng chứng của một vấn đề xã hội lớn mang tên: bất bình đẳng giới (gender inequality). Tất nhiên, những chỉ số về bất bình đẳng giới còn bao hàm rất nhiều yếu tố khác nữa như cơ hội giáo dục cho trẻ em gái, đa dạng ngành nghề, cơ hội thăng tiến cho phái nữ, v.v… Việt Nam đứng thứ 69 trong tổng số gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số bất bình đẳng giới theo báo cáo của UNDP năm 2017.

Nghiên cứu của chúng tôi tập trung vào khái niệm phân biệt đối xử giới (PBĐX) vì hai lý do chính. Một mặt, các nghiên cứu về giới đã làm ở Việt Nam thường tập trung vào các chỉ số của bất bình đẳng giới thay vì tìm hiểu nhận thức về giới của mỗi cá nhân. Mặt khác, nghiên cứu đã chỉ ra rằng thái độ về vai trò giới của mỗi thành viên trong một xã hội có thể tạo ra bất bình đẳng trong xã hội đó (3,4). PBĐX giới bao gồm các tư duy khuôn mẫu giới, định kiến giới, và những thái độ, kỳ vọng hay cách đối đãi với một người theo những cách khác nhau tùy vào giới tính của họ. ‘Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm’, làm trai cho đáng nên trai’, hay ‘đàn bà học cao khó lấy chồng’ là những quan niệm có tính phân biệt đối xử giới bởi vì nó đóng khung cho phụ nữ và đàn ông những vai trò khác nhau. Ở các thế kỷ trước, một số quan niệm Khổng Tử, Nho giáo của Trung Quốc như ‘tam tòng tứ đức’, ‘trai anh hùng, gái thuyền quyên’ có du nhập vào dân gian bằng con đường văn hóa, giáo dục, đặc biệt ảnh hưởng đến những gia đình có học thức. Đại đa số quần chúng thuần nông ít học hơn khá bình đẳng, tự do yêu đương, thành thân với người mình yêu, sau khi kết hôn cả hai cùng ‘bình đẳng’ và chia sẻ trách nhiệm gia đình với nhau (5). Vào thời kỳ công nghiệp hóa những năm 1960, phụ nữ Mỹ bị bó hẹp trong khuôn bếp - tháp ngà 'mơ ước' của phụ nữ trẻ. Mục tiêu quan trọng nhất của người phụ nữ đến tuổi trưởng thành là có một người đàn ông đủ điều kiện kinh tế kết hôn với mình. Khi họ có cảm giác không ổn mà không thể nêu rành rọt lý do tại sao, bác sĩ liền chẩn đoán rằng họ mắc chứng tâm thần (mental illness) vì chỉ có điên mới không hài lòng với đời sống được cung phụng đầy đủ như hiện có - và quan trọng hơn đó là mô hình kiểu mẫu của xã hội, là mục tiêu cuộc đời của mọi phụ nữ (6). Xã hội công nghiệp vận hành suôn sẻ khi phụ nữ ở nhà lo nhà cửa, con cái, để những người đàn ông toàn tâm toàn ý đi làm công nhân ở xưởng. Việt Nam lại có truyền thống kêu gọi phụ nữ tham gia lao động sản xuất, tham gia chiến đấu trong quá khứ. Ngày nay, ở những gia đình bình dân và trung lưu, phụ nữ Việt Nam vẫn đi làm để chia sẻ gánh vác tài chính, vì thời buổi kinh tế có bao giờ thôi khó khăn! Nhưng với điều kiện cô ta vẫn phải đảm bảo tề gia nội trợ. Bởi vì cô ấy mà không làm, thì ai vào đây? Đi làm về, vợ nấu nướng, chồng ngồi đọc báo, xem ti vi chờ cơm, ăn xong vợ rửa chén dọn dẹp, chồng lại đọc báo, xem ti vi (hoặc giờ là ôm máy vi tính) là chuyện thường tình ở huyện. Chỗ của đàn ông không phải là cái bếp. Anh ta nếu phải làm việc nhà thì chỉ là những việc lớn thảng hoặc như sửa ống nước hay quét lại cái tường nhà. Con cái cứ nhìn vào bố mẹ, y như thế mà sống nếp cũ khi có gia đình riêng. Vòng lặp của vai trò giới cứ thế tiếp diễn mà chẳng ai buồn bận tâm, vì cuộc sống đã quẳng cho đủ các mối lo rồi, ai rỗi hơi đào sới lên cho mất đoàn kết, lủng củng nội bộ.

Hiện nay, giới nghiên cứu về định kiến nhất quán với lý thuyết rằng PBĐX giới tồn tại ở hai dạng: ác cảm và thiện cảm (7). PBĐX ác cảm là thái độ đánh giá thấp năng lực và phẩm chất của phụ nữ và vì vậy cư xử có tính áp đặt trong mối quan hệ với những người phụ nữ xung quanh và cho rằng phụ nữ đòi hỏi quyền lợi hoặc công bằng là những người có tính thù địch và muốn tranh đua ngôi vị thống trị của nam giới. Quấy rối và tấn công tình dục là một biểu hiện của PBĐX ác cảm với phụ nữ, rằng phụ nữ là vật thể nhục tính (sex object) chứ không phải một cá thể có những giá trị ngang hàng với nam giới. Thái độ thù địch, ác cảm với các nhà nữ quyền hoặc những người phụ nữ thành công trong sự nghiệp hoặc thóa mạ, dè bỉu nữ lãnh đạo một cách tục tĩu, thô lỗ cũng là biểu hiện của thái độ PBĐX giới ác cảm.

PBĐX thiện cảm là thái độ cho rằng phụ nữ sở hữu những phẩm chất và khả năng mà nam giới không có như nhạy cảm hơn, có gu thẩm mĩ hơn, và có tính thuần khiết, ấm áp. Họ cho rằng phụ nữ cần được đàn ông chăm lo, bảo vệ, và gánh vác trách nhiệm tài chính. Đổi lại, phụ nữ đóng vai trò bổ trợ, hoàn thiện đàn ông. Đàn ông cần có phụ nữ yêu thương và chăm lo đời sống tình cảm, quán xuyến gia đình để họ yên tâm ‘trở thành chính mình’ - người đàn ông sắm vai trụ cột gia đình và là thành viên tích cực trong xã hội. Nhìn chung, PBĐX thiện cảm thoạt nhìn thì dường như có ý tốt từ phía chủ thể phân biệt, nhưng thực sự thì nó cũng ngụ ý rằng phụ nữ thua kém đàn ông ở những phẩm chất cần thiết để làm chủ xã hội. Không chỉ nam giới mà phụ nữ cũng có thái độ phân biệt đối xử giới thiện cảm. Họ có thể lên án và nhận ra sự sai trái của việc quấy rối tình dục hoặc thóa mạ phụ nữ ngay lập tức. Nhưng họ chấp nhận một cách hiển nhiên việc mình phải đảm đương hầu hết việc nhà và phần lớn việc chăm sóc, dạy dỗ con cái. Đổi lại, họ có một mái ấm gia đình và một người chồng chí thú làm ăn, có trách nhiệm với vợ con, không có tật xấu gì đáng kể.

Những quan niệm phân biệt đối xử, dù là ác cảm hay thiện cảm, đều có tác hại đối với cả người bị phân biệt và người phân biệt. Dù là ở góc độ cá nhân, tổ chức, hay xã hội thì các dạng phân biệt đối xử theo giới đều có những tác động tiêu cực.

PHẦN 2: PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ GIỚI THÌ CÓ LIÊN QUAN GÌ ĐẾN TÔI?

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1). Phạm T. T. Tiên, Nguyễn H. Ân, Nguyễn T. Loan, Phan T.H.D Thy, Lê M. Thuận (2018). Mối quan hệ giữa phân biệt đối xử theo giới với sự hài lòng trong công việc và sức khỏe tinh thần của người lao động Việt Nam. Dự án nghiên cứu được tài trợ bởi Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và Bộ Lao Động Thương Binh & Xã Hội trong khuôn khổ cuộc thi Nghiên cứu Lao động 2018 (preprint)

(2). ILO-Gallup (2017). Towards a better future for women and work: Voices of women and men. (pdf)

(3). Brandt, M. J. (2011) ‘Sexism and gender inequality across 57 societies’, Psychological Science, 22(11), pp. 1413–1418. doi: 10.1177/0956797611420445.

(4). Glick, P., Fiske, S.T., (2000), “An ambivalent alliance: Hostile and benevolent sexim as complementary justifications for gender inequality”, American Psychologist, Vol 56, No.2, 109 – 118. American Psychological Association, US.

(5). Thông tin từ Th.S Đỗ Hồng Quân – nhà nghiên cứu và giảng viên môn Giới và phát triển, chia sẻ về Luận văn tiến sĩ của một nghiên cứu sinh người Hàn về Vị thế của phụ nữ Việt Nam qua bộ Lê triều hình luật, tại hội thảo Gender Talk ngày 14/3 tại trường Đại Học Hoa Sen.

(6). Friedan, Betty. (1963). Bí ẩn nữ tính. Nguyễn Vân Hà dịch.TP. HCM. NXB: Hồng Đức

(7). Glick, P. & Fiske, S. T. (1996) ‘The Ambivalent Sexism lnventory: Differentiating hostile and benevolen sexism’, Journal of Personality and Social Psychology, 70(3), pp. 491–512.

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2019

Liệu chúng ta có thể trở thành những người lãnh đạo không?*

Tôi rất vinh dự và vui sướng được đứng ở đây hôm nay cùng các bạn. Trong số các bạn, có những người đang là hoặc sẽ là lãnh đạo tại cơ quan mà bạn làm việc, của một cộng đồng yếu thế mà bạn đứng ra bảo vệ quyền lợi, hoặc là của đất nước mà bạn gọi là ‘nhà’. Tôi ước gì ông bà nội của tôi có thể nhìn thấy tôi ở đây hôm nay cùng các bạn. Họ đã dõi bước chân tôi những năm tôi lăn xả vào cuộc đời sinh viên, rồi sau đó là nhưng năm va vấp, vất vả tìm kiếm con đường nghề nghiệp và bản sắc chuyên môn của mình. Tôi hy vọng câu chuyện của mình sẽ góp phần làm cho các bạn thêm tin tưởng rằng nếu chúng ta thực tâm mong muốn và làm việc chăm chỉ với tâm hồn trong sáng rộng mở, chúng ta sẽ tự mở ra cho mình rất nhiều cơ hội và khả năng giành lấy cho mình một cuộc đời hạnh phúc và có ích. Đối với những bạn đến đây với mục tiêu rất cụ thể là học hỏi về việc làm sao để lãnh đạo trong khi mà chúng ta không giữ một chức vụ trưởng hoặc phó nào đó trong cơ quan mình đang làm việc, tôi hy vọng bạn tìm thấy cho mình ý nghĩa thực sự đằng sau cụm từ ‘lãnh đạo’ hoa mĩ và có vẻ đáng sợ kia. Với tư cách là một người nghiên cứu về não bộ và hành vi của con người, tôi muốn nhấn mạnh với các bạn một điều rằng chúng ta sinh ra với những tiềm năng vô hạn, nhưng chúng ta lớn lên và đánh mất rất nhiều qua quá trình thích nghi và tiếp thu đời sống xã hội với nhiều rào cản vô hình. Và tôi không có chút nghi ngờ nào mà phải nói rằng, nếu chúng ta có thể tận dụng những gì chúng ta được tự nhiên ban cho, mỗi người trong chúng ta luôn có thể trở thành nhiều hơn những gì chúng ta đang thể hiện.

Để nói về đất nước quê hương của mình một cách hoàn toàn khách quan là điều thật khó. Việt Nam là nơi mà tôi sẽ luôn có những cảm xúc trìu mến nhất mỗi khi nhắc đến. Còn nước Anh lại là nguồn cảm hứng và là một phần bản sắc chuyên môn của tôi. Được gặp gỡ, có một năm gắn bó và rồi yêu mến nước Anh là một điều vô cùng may mắn đối với tôi. Quê hương thứ hai này có những nhà khoa học tận tụy và thầm lặng, có ngôi trường và người thầy đã dạy cho tôi biết thế nào là một người lãnh đạo học thuật chân chính. Các thầy cô của tôi, họ làm việc chăm chỉ và nghiêm túc. Họ làm cho mỗi bài giảng trở thành một trải nghiệm quý giá với một sinh viên bỡ ngỡ bước chân vào giới học thuật mà như Alice trong xứ sở thần tiên. Những bài giảng của họ không quyển sách giáo khoa nào có thể sánh ngang. Trên tất cả, những bài tập mà họ giao và các phản hồi thấu đáo mà họ gửi lại cho tôi là điều đặc biệt nhất của trải nghiệm đi học đại học sau nhiều năm tôi miệt mài tự học và phải tự làm giáo viên cho chính mình. Khi làm nghiên cứu, bằng thái độ kiên nhẫn, ủng hộ và cũng rất cẩn trọng trong việc đưa ra những chỉ dẫn, thầy tôi trao trách nhiệm học tập cho tôi và chính ông cũng giữ lấy trách nhiệm ấy cho mình.

Mối quan hệ với thầy hướng dẫn cũng là kim chỉ nan dẫn đường cho tôi trong con đường phát triển nghề nghiệp mới vừa chớm nở. Hiện nay, công việc của tôi ở trường đại học là giảng dạy và nghiên cứu. Tôi làm việc một tuần hơn 50 tiếng. Một mặt, tôi nghiên cứu và học tập về các lĩnh vực mà mình quan tâm. Tôi thiết lập mối quan hệ chuyên môn, cộng tác, và học hỏi từ các thầy cô, các đồng nghiệp trong và ngoài trường đại học mà tôi công tác. Những trải nghiệm này rèn luyện cho tôi tính khiêm nhường và nền tảng đạo đức trong nghiên cứu, vốn không phải là điều mà một sớm một chiều có thể cảm thụ và thực hành hết được. Trong học thuật hay bất kỳ lĩnh vực nào hiện nay, người lãnh đạo hoặc trưởng nhóm không nhất thiết là quản lý hay cấp trên của bạn. Tính chuyên môn hóa và tầm quan trọng của các dự án liên ngành hoặc đòi hỏi nhiều chuyên môn sâu tạo điều kiện cho mỗi người có thể thuyết phục người khác cùng đồng hành với mình trong một điều gì đó mà mình khởi xướng. Bạn có thể là sinh viên và có thể là nhà nghiên cứu trẻ mà vẫn có thể là người khởi xướng trong công việc của mình. Để tạo ra sự thay đổi, chúng ta cần thái độ và tinh thần trách nhiệm với sự thay đổi đó chứ không cần một vị trí.

Mặt khác, ở trên lớp, tôi làm việc chăm chỉ để nhóm ngọn lửa đam mê đối với ngành tâm lý học vào trong lòng các sinh viên của mình. Tôi cố gắng cấu trúc kiến thức một cách hệ thống đủ để sinh viên có được bức tranh lớn và tầm nhìn rộng mở về môn học và về những gì họ có thể làm được với những kiến thức đó. Tôi cũng cho sinh viên thấy rằng tôi kỳ vọng cao ở họ và sẵn lòng trợ giúp hết mình để sinh viên có thể vượt qua nỗi sợ và hiện thực hóa những khả năng của họ. Những cuộc thảo luận trong lớp, việc chia sẻ tài nguyên và kế hoạch học tập trước mỗi giờ lên lớp là một phần trong kế hoạch giảng dạy lấy sinh viên làm trung tâm và trao trách nhiệm cho người học của tôi. Với những mảng chuyên môn mà tôi không nghiên cứu sâu, nếu trong vòng quen biết của mình có ai đó có chuyên môn hơn, tôi tìm cách mời họ về chia sẻ cho sinh viên của tôi trong buổi học về chủ đề đó thay vì cố gắng đọc sách và tỏ ra mình thông thái trong mọi vấn đề. Điều đó đơn giản là không thể, ngay cả với những giáo sư lâu năm, huống hồ gì là tôi, một người vừa vỏn vẹn một năm kinh nghiệm làm nghề giảng dạy. Tôi không chắc là tất cả sinh viên đều yêu thích và cảm thấy thoải mái với những yêu cầu cao của tôi. Nhưng tôi có thể chắc rằng với những ai thực tâm mong muốn mở mang trí óc để tạo ra sự thay đổi nơi chính mình và những người xung quanh, thì tôi cũng không đến nỗi làm cho họ thất vọng.

Tóm lại, nếu định nghĩa lãnh đạo là tạo ra sự thay đổi thì mỗi người trong chúng ta đều có thể làm được nếu chúng ta thực tâm mong muốn. Chúng ta không cần phải đợi một vị trí hoặc chức danh. Hãy đầu tư vào bản thân, sống đúng với những niềm tin và con người của mình, làm việc chăm chỉ, thú nhận những trăn trở, những nỗi sợ hãi và niềm vui sướng trong lòng mình, và cuối cùng, hãy tin tưởng vào chính mình cũng như những người bạn đồng hành của chúng ta. Đó là khi chúng ta tạo ra sự thay đổi và trở thành nhà lãnh đạo không cần chức danh.

* Bài nói chuyện của ThS. Phạm Thị Thủy Tiên, Giảng viên bộ môn Tâm lý học – Khoa Khoa Học Xã Hội trường Đại Học Hoa Sen trong Chương trình Chevening Youth Talk – Lãnh đạo không chức danh do Đại Sứ Quán Anh ở Việt Nam tổ chức sáng ngày 12-1-2019 tại iTechBlack - Coworking Incubator, TP. HCM.