Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

Chọn thiết kế nghiên cứu 1: Tính khả thi


Như vậy là qua 2 bài gần đây nhất, ta đã nói về một số bước quan trọng mở màn cho quá trình lập nghiên cứu, đó là thiết lập câu hỏi hay giả thuyết nghiên cứu và hình thành cơ sở lý thuyết. Các bước còn lại bao gồm chọn thiết kế nghiên cứu, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, và viết báo cáo. Cách tác giả tiếp cận các nội dung này đầu tiên là trình bày các khái niệm cơ sở và có phần trừu tượng, rồi lần lượt mới đến các bước cụ thể nhất. Với cách viết này, tôi hy vọng các bạn đi thật chậm rãi, không vội vàng tiến vào những kỹ thuật quá cụ thể mà chưa kịp cảm nhận những ý tưởng, khái niệm lớn và nhiều ý nghĩa hơn đã sinh ra nó. Thiếu đi những cảm nhận này, trải nghiệm của bạn với khoa học sẽ thiếu đi những phần mà tôi cho rằng hết sức thú vị và cũng đáng tưởng thưởng nhất. Tương tự như vậy, một vài bài viết tới đây sẽ cung cấp các khái niệm cơ sở hơn là chỉ dẫn bạn những bước đi rõ ràng. Khi đọc nó, bạn hãy để cho đầu óc mình rộng mở, tơ tưởng và mơ mộng về khoa học cũng như đối với một người tình. Đừng để cho nỗi lo sợ về những điều mình chưa hiểu rõ lắm làm át đi óc tò mò trẻ thơ tự nhiên và những niềm đam mê tìm tòi vừa mới kịp thức dậy trong lòng bạn. 

Điều đầu tiên mà ta cần quan tâm đến trước khi bắt tay vào cuộc nghiên cứu là các yếu tố quyết định tính khả thi (feasibility). Tính khả thi chia làm hai loại: khả thi về mặt thực tế (practical feasibility) và khả thi về mặt đạo đức (ethical feasibility). Tính khả thi thực tế đề cập đến những lý do thực tế có thể giúp ích hoặc cản trở ý định của nhà nghiên cứu. Một mối bận tâm lớn thường là tìm người tham gia như thế nào. Liệu người tham gia có thể tìm được không (participant availability)? Có thể bị tiêu hao đi không (participant attrition)? Họ có làm đúng như chỉ dẫn của nhà nghiên cứu không (participant non-compliance)? Nhà nghiên cứu phải nắm trong tay khả năng liên hệ với người giữ cửa (gatekeeper) ở nơi có những người tham gia mà mình cần nghiên cứu. Chẳng hạn, gatekeeper có thể là giám đốc bệnh viện hoặc hiệu trưởng một trường học.

Để giảm thiểu việc người tham gia bỏ giữa chừng hoặc làm không đúng quy trình (gây ra dữ liệu bị sai, nhiễu), nhà nghiên cứu nên lấy mẫu đủ lớn để trừ hao. Khi tuyển người tham gia, nên trình bày rằng việc tham gia nghiên cứu sẽ thú vị và nêu lý do tại sao, đảm bảo rằng thông tin sẽ được bảo mật và ẩn danh. Hơn nữa, bạn cũng có thể cho người tham gia biết rằng kết quả nghiên cứu có thể được gửi cho họ.

Nhà nghiên cứu cũng cần trù liệu trước các trang thiết bị vật chất mà mình cần, chẳng hạn như loại máy móc gì, có sẵn chưa, có phải học cách sử dụng hoặc thuê chuyên viên không? v.v… Các vật dụng và chi phí tiêu dùng cần thiết khác như phí photocopy, gửi chuyển phát nhanh và chi phí phát sinh (v.d. thuê trợ lý nghiên cứu, chi phí cho nghiên cứu sơ bộ - pilot study) cũng cần được lên kế hoạch khi tính toán kinh phí. Nghiên cứu sơ bộ có thể được tiến hành trước nghiên cứu chính thức, để kiểm tra phương pháp, vật chất thiết bị và sự phản ứng của người tham gia, thường trên một nhóm nhỏ có cùng đặc điểm với nhóm mẫu sẽ tham gia trong nghiên cứu chính. Lúc này, bạn cũng cần kiểm tra lại phương pháp phân tích thống kê và thiết kế nghiên cứu mà bạn chọn để giải quyết vấn đề nghiên cứu, và kiểm tra lại xem cỡ mẫu có phù hợp chưa. Để kiểm soát tiến độ của dự án, bạn nên lâp thời gian biểu với thời gian cụ thể cho từng công đoạn của nghiên cứu.

Về mặt đạo đức, nghiên cứu của bạn cần bảo vệ và đảm bảo phúc lợi cho người tham gia (protection and welfare), tức là đảm bảo không gây ra thiệt hại hoặc rủi ro về thân thể hoặc tinh thần nào cho họ trong và sau nghiên cứu. Bạn luôn phải tuân theo nguyên tắc thỏa thuận có hiểu biết (informed consent), nghĩa là bạn giải thích rõ ràng, đầy đủ về nghiên cứu trước khi mời họ kí tên vào bản thỏa thuận đồng ý tham gia vào nghiên cứu. Trong tâm lý học, nhiều nghiên cứu cần phải sử dụng kịch bản giả (cover story) để đảm bảo độ hiệu lực. Tuy nhiên, khi quyết định dùng kịch bản giả, bạn cần phải tham khảo ý kiến của hội đồng đạo đức, đồng nghiệp hoặc  những người có cùng đặc điểm văn hóa xã hội của người tham gia, nếu khả năng cao là người tham gia sẽ thấy khó chịu sau khi được thông báo mục đích thật của nghiên cứu thì không được dùng kịch bản giả. Nói tóm lại, nếu không muốn bị hội đồng thẩm định đạo đức từ chối cấp phép, nhà nghiên cứu nên cân nhắc các cách làm khác thật kỹ trước khi quyết định chọn dùng kịch bản giả.

Sau khi dùng kịch bản giả, nhà nghiên cứu phải giải thích mục đích nghiên cứu cho người tham gia, bước này gọi là de-briefing. Cụ thể là, sau khi thu thập dữ liệu xong; có thể trao đổi thêm với người tham gia để rút kinh nghiệm về những hiệu ứng phát sinh trong quy trình hoặc để vô hiệu hóa các hiệu ứng còn lưu lại ở người tham gia trước khi họ ra về. Trong một số trường hợp như các nghiên cứu quan sát, nhà nghiên cứu quan sát hành vi của người đang lưu thông ở nơi công cộng mà không thông báo cho họ biết họ đang được ghi hình. Điều này có thể gây tranh cãi bởi vì có vẻ như nó xâm phạm quyền riêng tư của người tham gia và đồng thời cũng không tuân theo nguyên tắc thỏa thuận trên sự hiểu biết mà ta đã nói ở trên (informed consent). Tính ẩn danh và bảo mật của dữ kiện cũng là một điều cần lưu tâm trong trường hợp này.

Người tham gia có quyền rút ra khỏi nghiên cứu và nhà nghiên cứu có nghĩa vụ phải thông báo cho người tham gia rằng họ có quyền rút khỏi nghiên cứu bất kỳ lúc nào (nếu trẻ em bất hợp tác cũng là một bằng chứng cho thấy trẻ không muốn tiếp tục). Người tham gia khi đã rút khỏi nghiên cứu có quyền yêu cầu thông tin của họ phải bị hủy bỏ, đồng nghĩa với việc bạn không có quyền xuất bản các dữ liệu liên quan đến họ.

Nhà nghiên cứu cần phải biết những sản phẩm đầu ra nào mà mình muốn. Những sản phẩm này có thể gồm: ấn phẩm ngay khi vừa hoàn thành nghiên cứu (v.d. báo cáo khoa học ở hội nghị, báo cáo xuất bản trên tập san chuyên ngành), sản phẩm có tính dài hạn hơn (v.d nghiên cứu triển khai - follow-up study, nghiên cứu mở rộng - extension study) và các nghiên cứu khác nhằm khác phục những hạn chế của nghiên cứu hiện tại trong việc giải quyết vấn đề nghiên cứu. Và dù ấn phẩm hoặc các hoạt động tiếp theo của bạn là gì, thì công bố trên tạp chí khoa học được xem là mục tiêu cuối cùng và quan trọng của nghiên cứu (Nguyễn Văn Tuấn, 2009).

Cuối cùng, bạn cần nghĩ đến tiền nong bởi đó là nguyên liệu để bạn chạy máy cho toàn bộ những điều bạn vừa mới vẽ vời ra từ trong trứng nước trở thành hiện thực. Các yếu tố bạn cần nghĩ đến khi làm nộp hồ sơ mời tài trợ nghiên cứu chẳng hạn như: xem xét và đối chiếu tiêu chí của tổ chức tài trợ xem có phù hợp với nghiên cứu của mình không? có cần phải sử dụng form mẫu của cơ quan tài trợ để trình bày đề cương nghiên cứu không? Các yếu tố nào nên nhấn mạnh: tính thú vị, cấp bách, quan trọng hay mới lạ và độc đáo? Có thể ứng dụng ngay được không? v.v…

Nói tóm lại, đây là những điều cơ bản mà nhà nghiên cứu nào cũng phải nghĩ đến trong bước lên kế hoạch cho nghiên cứu của mình. Từ khâu ý tưởng đến khâu hiện thực hóa nghiên cứu không chỉ dựa vào những yếu tố chủ quan của riêng tác giả như khả năng chuyên môn hay quyết tâm của nhà nghiên cứu (mặc dù đây là những yếu tố then chốt) mà còn phụ thuộc vào những điều kiện khách quan bên ngoài. Vì vậy, càng có một sự cân nhắc và lên kế hoạch kỹ lưỡng về những điều khách quan này, nhà nghiên cứu càng giảm thiểu được nhiều yếu tố bất định và kiểm soát tốt tiến trình hiện thực hóa ý tưởng nghiên cứu của mình hơn.

Tham khảo

1) Breakwell, Hammond, Fife-Schaw, & Smith (2006). Research Methods in Psychology. London: Sage. (Chương 4) 

2) Coolican (2014). Research Methods and Statistics in Psychology. London & New York: Psychological Press (Chương 3,4,5)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét