Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

Phân loại nghiên cứu khoa học

CƠ BẢN VÀ ỨNG DỤNG 

Trong khi nghiên cứu cơ bản đơn thuần tập trung vào các vấn đề tạo ra tri thức về thế giới, nghiên cứu ứng dụng giải quyết các vấn đề của thực tiễn. Cả loại nghiên cứu đều cần thiết và mang tính tương hỗ lẫn nhau, có khi thuộc cùng một đề án nghiên cứu lớn về một vấn đề cấp bách đối với đời sống con người. Vài ví dụ về nghiên cứu cơ bản thú vị như dự án Bản đồ gen người - Human Genome Project hay mới đây nhất là Bản đồ mối liên kết não người - Human Connectome Project - ứng dụng các phương pháp tiên tiến như chụp hình cộng hưởng từ (fMRI), khuyếch tán cộng hưởng từ (DTI) để trích xuất hình ảnh của não bộ và các phương pháp xử lý và phân tích những dữ liệu này. Kết quả của các nghiên cứu cơ bản như kiểu này có thể được đưa vào làm nền tảng cho thần kinh học (neurology), tâm lý lâm sàng (clinical psychology), tâm thần học (psychiatry), và cả tâm lý trị liệu (psychotherapy)(*). 

Trong nghiên cứu khoa học xã hội, nhiều khi lằn ranh giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng gần như bị xóa nhòa bởi chúng được tiến hành nhịp nhàng liên tục cùng nhau, vừa để tạo ra kiến thức mới và vừa dùng kiến thức đó để giải quyết vấn đề của xã hội. Vào năm 1946, thế giới phương Tây bắt đầu xây dựng cuộc sống sau những tổn thất trong cuộc chiến tranh thế giới. Những người lính châu Âu chết trận hoặc mắc chứng tâm thần (**), những gia đình nghèo khổ với trợ cấp không thấm thía vào đâu với chi phí và những yêu cầu an toàn y tế tối thiểu. Trong bối cảnh đó, ở nước Anh, có một vị bác sĩ đã thầm lặng khởi đầu một dự án nghiên cứu theo dòng đời (longitudinal study) mà sau này đã trở thành ‘viên ngọc sáng’ của giới nghiên cứu trên toàn thế giới, là minh chứng hùng hồn cho nhân loại về những điều kì diệu mà ngành khoa học xã hội có thể làm để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người một cách toàn diện ở quy mô một quốc gia và thậm chí còn xa hơn. Dự án nghiên cứu này được tác giả Helen viết trong quyển “Dự Án Cuộc Đời”, dưới đây là một đoạn trích đăng trên tờ The Guardian: 

     "Tháng 3 năm 1946, các nhà khoa học ghi chép lại sự ra đời của hầu như mỗi em bé ở Anh trong một tuần giá lạnh. Họ đã theo dõi hàng ngàn em này kể từ đó, trong một cuộc nghiên cứu dài hơi lớn nhất về phát triển con người trên thế giới. Những người này sẽ bước sang tuổi bảy mươi trong vòng hai tuần tới, họ là những công dân được nghiên cứu kỹ nhất trên hành tinh. Và những phân tích về họ đã thành công đến mức các nhà nghiên cứu đã lặp lại kỹ thuật trên với hàng ngàn em bé khác sinh ra vào các thời điểm 1958, 1970, những năm đầu 90 và vào năm đầu thiên niên kỉ mới. Tổng cộng có đến hơn 70 ngàn người thuộc 5 thế hệ đã được ghi danh vào các nghiên cứu đoàn hệ sau sinh này. Không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đang theo dõi các thế hệ dân chúng của họ theo cách này: cuộc nghiên cứu đã trở thành cái mà các nhà khoa học trên khắp thế giới đều thèm muốn, một viên ngọc ngự trên chiếc vương miện của nền khoa học Anh Quốc, vậy mà, bên ngoài mạng lưới các nhà khoa học tận tuỵ đang vận hành cuộc nghiên cứu này, một số cực kỳ ít ỏi người biết về sự tồn tại của chúng.
- The Guardian, 27 tháng 2, năm 2016
Nghiên cứu này đã thay đổi những nhận thức thông thường sai lầm của thời bấy giờ. Trước nghiên cứu, người ta đã không biết (hoặc không quá quan tâm rằng) người mẹ có thai không được hút thuốc lá cho đến những chuyện như bất công xã hội có thể khiến cho giáo dục phổ thông không phát huy được tác dụng. Tất cả những phát hiện này đã đóng góp to lớn trong việc làm thay đổi các chính sách y tế, giáo dục, và xã hội quan trọng ở Anh từ đó đến tận ngày nay. 

ĐỊNH TÍNH VÀ ĐỊNH LƯỢNG 
Nguồn: Internet
Trong những bài trước và tất cả các bài viết trong loạt này tôi sẽ viết về phương pháp định lượng. Tuy nhiên, không nên hiểu lầm rằng chỉ có phương pháp định lượng mới là phương pháp khoa học đúng đắn và là duy nhất trong nghiên cứu tâm lý học. Bài viết này sẽ giới thiệu sơ lược và so sánh phương pháp định tính với định lượng để cho bạn đọc có một bức tranh lớn khi chọn phương pháp nghiên cứu cho vấn đề mà mình quan tâm. Điểm chung của hai cách tiếp cận định lượng và định tính trong nghiên cứu khoa học là chúng đều là hệ thống các phương pháp chặt chẽ, phức tạp, và tuân thủ các nguyên tắc của phương pháp khoa học. Về điểm khác, có ba sự khác biệt cơ bản như sau. 

Mục đích nghiên cứu và kế hoạch phân tích dữ liệu  

Ta có thể chia phương pháp nghiên cứu khoa học thành hai loại dựa vào mục đích nghiên cứu và theo đó là cách mà ta định sẽ phân tích dữ liệu mà ta thu được. Phân tích dữ liệu bằng cách định lượng nghĩa là thu thập dữ liệu dưới dạng các biến số phản ánh các khái niệm hoặc hiện tượng tâm lý học đã được thao tác hóa (***) rồi dùng các phép thống kê mô tả và suy luận để đi kiểm định giả thuyết về tần suất hoặc mối quan hệ giữa các hiện tượng đó. Trong khi đó, phân tích dữ liệu bằng cách định tính là khi nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu rồi ’tóm tắt’ hay là 'mã hóa' chúng không phải bằng các biến số định lượng mà bằng các chủ đề (theme) và chủ đề nhỏ (sub-theme) liên quan tới vấn đề hoặc câu hỏi nghiên cứu. Nếu như mục đích của nghiên cứu định lượng là thu thập dữ liệu định lượng, thường gọi là phương pháp thực nghiệm (empirical methods) để kiểm định giả thuyết, thì nghiên cứu định tính dùng các phương pháp mang tính diễn giải (interpretative) như nghiên cứu trường hợp (case study), phỏng vấn nhóm (focus group), quan sát tham dự (participatory observation), phỏng vấn phi cấu trúc (non-structured interview), hoặc nghiên cứu lí thuyết (literature review), v.v… để khám phá hoặc đặt ra những giả thuyết mới về vấn đề nghiên cứu. Liên hệ lại với bài trước, bạn đọc sẽ thấy nghiên cứu định tính khớp vào giai đoạn thứ 2 - quy nạp, còn nghiên cứu định lượng nằm ở giai đoạn thứ 3 - diễn dịch, của chu kỳ thực nghiệm. Như vậy, dù phân loại theo cách nào thì những nghiên cứu khoa học vẫn luôn mang tính tương hỗ, kế thừa lẫn nhau, không có cái nào ưu việt hơn cái nào mà phải được vận dụng luân phiên, nhuần nhuyễn. Nhà khoa học ‘tháp ngà’ tự cho nghiên cứu của mình ở một đẳng cấp khác và tách mình khỏi xã hội, hay nhà nghiên cứu tự cho mình là ‘khoa học’ hơn khi chỉ sử dụng thực nghiệm và coi thường tất cả những nhà nghiên cứu định tính dần sẽ phải có tư tưởng chiết trung hơn, nếu không muốn chính mình sẽ hóa rêu phong và trở thành tảng đá vô hình trong dòng chảy tự nhiên của xã hội. 

Câu hỏi nghiên cứu 

Nghiên cứu định tính trả lời câu hỏi tại sao hoặc như thế nào, trong khi đó nghiên cứu định lượng trả lời các câu hỏi như ai, cái gì, và bao nhiêu. Giả sử, vấn đề nghiên cứu của bạn là tác động của thuốc chuyển đổi hóc môn trên người chuyển giới từ nam sang nữ. Phương pháp định lượng có thể trả lời cho bạn các câu hỏi như: Thuốc có tác dụng chuyển biến không? Trong bao lâu? v.v…  Phương pháp định tính sẽ có ích nếu câu hỏi nghiên cứu của bạn không phải là các yếu tố trên mà là những điều thực sự xảy ra bên trong người chuyển giới về mặt tâm lý( họ cảm thấy như thế nào khi dùng thuốc?), về mặt thể chất (những cơn đau diễn ra như thế nào, có những tác dụng phụ nào khác mà bản thân nhà nghiên cứu không trù tính trước và không có trên phiếu đánh giá không?) và những diễn biến khác trong cảm xúc và suy nghĩ của người chuyển giới về việc dùng thuốc.

Tính khái quát hóa 

Với mỗi nhóm hoặc người tham gia, nghiên cứu định tính thu thập rất nhiều thông tin không cấu trúc cho nên dữ liệu của từng người rất đồ sộ và khối lượng công việc là vô cùng nhiều. Vì vậy, nghiên cứu định tính thường được tiến hành trên một cỡ mẫu hạn chế từ 01 đến không quá 10 người tham gia để đảm bảo tính khả thi của nghiên cứu. Bởi độ mở về dữ kiện thu thập và cỡ mẫu nhỏ, nghiên cứu định tính không có tính khái quát hóa, tức là kết quả của nghiên cứu không thể được suy luận ra cho những người khác trong quần thể nghiên cứu. Vai trò của nghiên cứu định tính giống như là người đi mở đường, khai phá các hướng nghĩ mới, giả thuyết mới, để rồi nghiên cứu định lượng đi tiếp theo sau để kiểm định giả thuyết đó và kiểm chứng khả năng khái quát hóa (generalizability) của nó, và cuối cùng là ứng dụng vào thực tiễn. 

Một ví dụ về một nhà nghiên cứu dùng phương pháp định tính nổi bật là trong lĩnh vực xã hội học. Cô Kimberley Hoàng, hiện là phó GS ở ĐH Chicago, đã từng thực hiện một nghiên cứu về thị trường lao động tình dục ở Việt Nam bằng phương pháp dân tộc ký (ethnography) và được trao giải thưởng luận văn tiến sĩ ngành xã hội học xuất sắc nhất của năm ở Mỹ năm 2012. Nếu bạn quan tâm đến phương pháp định tính thì không nên bỏ qua bài nghiên cứu này, có bản free đầy đủ trên bạn, chỉ cần tải về đọc thôi. Bạn đọc nếu biết cách đọc kỹ một nghiên cứu như vậy thiết nghĩ có thể học hỏi được rất nhiều về phương pháp nghiên cứu định tính theo cách mà không một khóa học nào có thể chỉ dạy cho bạn được. Level của bạn sẽ lên rất nhanh nếu biết cách học từ sách và bài báo nghiên cứu - những nguồn có thể không rẻ chút nào nhưng nếu tìm thì vẫn có cách. 

Tóm lại, tùy theo mục đích của bạn là đặt giả thuyết mới hay kiểm định giả thuyết mà bạn chọn định tính hay định lượng. Sự khác biệt giữa hai cách tiếp cận này thể hiện rõ nhất qua cách bạn phân tích dữ liệu. Mấu chốt để chọn định tính hay định lượng còn nằm ở chỗ, vấn đề nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu cụ thể của bạn là gì? và khả năng khái quát hóa có phải là điều bạn quan tâm hiện tại không, so với các ưu tiên khác? Không nên chọn phương pháp nghiên cứu định tính chỉ vì bạn ghét xác suất thống kê hoặc ngược lại, không nên chọn phương pháp đinh lượng chỉ vì bạn ngại giao tiếp hoặc ngán ngẩm việc tỉ mỉ, cặm cụi ghi chép từng lời chia sẻ của người tham gia qua băng thu âm (transcribe). Sợi chỉ đỏ duy nhất dẫn dắt tất cả các quyết định trong suốt quá trình nghiên cứu của bạn không gì khác hơn và chỉ nên là mục tiêu nghiên cứu của chính bạn. 

-----

Tham khảo
Breakwell, Hammond, Fife-Schaw, & Smith (2006). Research Methods in Psychology. London: Sage. 

(*) Lúc học ở Anh thì tôi lần đầu được biết về cách ứng dụng công nghệ sóng điện từ ‘Transcranial Magnetic Stimulation’ (TMS) trong chữa bệnh trầm cảm và lo âu. Sau đó lúc vừa về Việt Nam thì được biết thêm về Neurofeedback, ứng dụng EEG trong chữa trị tăng động giảm chú ý và tự kỉ. Rất thú vị! 
 (**) Thực ra những người lính trở về và mắc chứng tâm thần ở Châu Âu được mô tả qua nhân vật Septimus trong tác phẩm Bà Dalloway của Virginia Woolf là sau thế chiến thứ nhất. Còn ở thế chiến thứ 2 thì tôi biết khi đọc về bối cảnh lịch sử tâm lý Mỹ sau thế chiến thứ 2, đó là việc đầu tư nguồn lực của chính phủ vào tâm lý học lâm sàng (clinical psychology) (một điều làm đau lòng các nhà tâm lý học nghiên cứu bởi ngân sách cho nghiên cứu và chế độ cho giáo sư/ cán bộ nghiên cứu bị cắt xén bớt). Tóm lại, việc sang chấn sau chiến tranh có lẽ là hiện tượng phổ biến ở các quân nhân tham chiến bởi tính khốc liệt và bạo tàn của chiến tranh.
(***) Thao tác hóa khái niệm (definition operationalization) là các quy trình hoặc bước tiến hành để đo lường một khái niệm trừu tượng thông qua các thuộc tính có thể quan sát và đo lường được. Khái niệm này sẽ được trình bày kỹ trong bài viết tới.

2 nhận xét: